Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "bốc hơi", chuyển từ lãi thành lỗ sau kiểm toán

Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của nhiều doanh nghiệp cho thấy lợi nhuận sau thuế sụt giảm hàng chục %, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ hàng trăm tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chênh lệch số liệu lợi nhuận giữa báo cáo tài chính (BCTC) do doanh nghiệp niêm yết tự lập và sau kiểm toán đã trở thành câu chuyện khá phổ biến. Tình trạng này tiếp tục tái diễn trong mùa công bố báo cáo kiểm toán 2023 với không ít doanh nghiệp ghi nhận số liệu tài chính “nhảy múa”, trong đó, số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, thậm chí chuyển từ lãi thành lỗ chiếm thế áp đảo hơn.

Ngoài việc số liệu trước và sau kiểm toán không khớp nhau, một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa là doanh nghiệp giải thích ra sao về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch các con số trước và sau kiểm toán.

Nhìn chung các sai lệch trong BCTC do doanh nghiệp tự lập và sau kiểm toán thường xuất hiện những sai sót trong việc ghi chép và trình bày các khoản mục trên BCTC. Phần nhiều là do chênh lệch quan điểm khác nhau giữa doanh nghiệp với các kiểm toán viên liên quan đến các ước tính kế toán như các khoản dự phòng, khấu hao và phân bổ,... Sai sót phổ biến nhất là do nhầm lẫn từ hạch toán số liệu từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết của doanh nghiệp làm cho BCTC của công ty mẹ bị sai theo.

Lợi nhuận từ “bốc hơi” mạnh…

Tiêu biểu cho chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán do thay đổi hạch toán số liệu từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết là trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG). Sau kiểm toán khoản lãi 315 tỷ đồng từ công ty liên kết của công ty đã “bốc hơi” khỏi bảng kết quả kinh doanh bởi việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ do ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.

Trước đó, Lộc Trời báo lãi từ công ty liên kết tăng đột biến vào quý II/2023 - lãi 327 tỷ đồng. Đây là phần lãi lũy kế sau khi mua công ty liên kết là Công ty CP Lương thực Lộc Nhân. Lộc Trời hoàn tất mua lại Lộc Nhân vào ngày 16/2/2023. Sau giao dịch này, tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích của Lộc Trời tại Lộc Nhân là 49%.

Bù lại, chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán của Lộc Trời lại giảm 77 tỷ đồng, tương đương giảm 11% còn 641 tỷ đồng do điều chỉnh giảm chi phí lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền 73 tỷ do công ty đánh giá lại và ghi nhận giảm dự phòng phải thu khó đòi của một số khách hàng đã được thu hồi công nợ sau niên độ. Việc điều chỉnh này đã góp công lớn giúp Lộc Trời thoát lỗ và vẫn có lãi 17 tỷ đồng sau kiểm toán, giảm 94% so với báo cáo tự lập và giảm 96% so với kết quả lợi nhuận năm 2022.

LTG.png

Tương tự, sau kiểm toán lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã TIP) cũng giảm 21,6 tỷ đồng, còn 174 tỷ đồng, tương ứng giảm 11,1%. Giải trình theo báo cáo, công ty cho biết, lợi nhuận sau thuế tại BCTC hợp nhất kiểm toán giảm so với BCTC hợp nhất quý I/2023 đã công bố là do công ty hoạch toán thiếu bút toán điều chỉnh hợp nhất khoản cổ tức từ Công ty CP Thương mại và Xây dựng Phước Tân (công ty liên doanh liên kết).

Cùng chứng kiến lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 29% sau kiểm toán, còn gần 486 tỷ đồng, giảm 199 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tuy nhiên lý do của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã NVL) lại là do khoản lỗ đến từ việc trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết theo yêu cầu từ đơn vị kiểm toán trên quan điểm thận trọng. Khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB) lý giải lý do khiến lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán của công ty giảm 87% sau kiểm toán, còn vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng là do công ty phải trích lập các khoản phải thu khó đòi và trích thêm lãi chậm nộp thuế.

Việc phải tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận ròng của Công ty CP Lizen (mã LCG) giảm 14,2% sau kiểm toán, tương ứng giảm gần 17 tỷ đồng, về gần 106 tỷ đồng (trước kiểm toán lãi 118 tỷ đồng). Theo báo cáo, cuối năm 2023 khoản trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của công ty đã tăng hơn 121 tỷ đồng lên gần 179 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 58 tỷ đồng so với đầu năm.

… đến lỗ thêm trăm tỷ, thậm chí từ lãi thành lỗ

Ngoài các doanh nghiệp giảm lãi sau kiểm toán, mùa BCTC kiểm toán năm 2023 cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp lỗ thêm hoặc chuyển từ lãi thành lỗ. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) lỗ ròng thêm 333 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, nâng tổng lỗ ròng cả năm 2023 lên 1.115 tỷ đồng.

Nguyên nhân lỗ thêm trên báo cáo kiểm toán phần lớn đến từ lợi nhuận gộp giảm 36 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 276 tỷ đồng do công ty phải tăng trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Phía Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân doanh nghiệp lỗ ròng thêm 333 tỷ đồng là do “quan điểm thận trọng của đơn vị kiểm toán đã phản ánh số liệu theo đúng chế độ kiểm toán Việt Nam, còn HBC thể hiện kết quả của báo cáo tài chính trên nguyên tắc phản ánh đúng bản chất của vấn đề”.

Với việc lỗ ròng thêm 333 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2023, HBC đã lỗ lũy kế 3.240 tỷ đồng. Điều này làm vốn chủ sở tính đến cuối năm 2023 còn 93,4 tỷ đồng, giảm đến 92% so với năm 2022.

Cũng như Hòa Bình, sau kiểm toán, nhiều chỉ tiêu trên báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) ghi nhận sự thay đổi lớn. Giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều tăng so với báo cáo tự lập khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 41 tỷ đồng.

Khoản lợi nhuận khác từ 18 tỷ đồng ở báo cáo tự lập biến thành lỗ 70 tỷ sau kiểm toán do tăng mạnh chi phí phạt thuế cùng khoản lỗ từ xoá sổ và thanh lý tài sản.

Kết quả, Gỗ Trường Thành lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 134 tỷ đồng sau kiểm toán trong khi ở báo cáo tự lập có lãi 11 tỷ đồng. Việc chuyển từ lãi thành lỗ sau kiểm toán khiến khoản lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành đến cuối năm 2023 tăng lên 3.225 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 267 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn ghi nhận 2.850 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023, giảm 65 tỷ so với báo cáo tự lập.

Tương tự, sau kiểm toán, Công ty CP Đầu tư LDG (mã LDG) cũng lỗ ròng thêm 153 tỷ đồng khiến lỗ ròng cả năm 2023 bị đẩy lên mức hơn 527 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá vốn hàng bán và chi phí quản lý lần lượt tăng 41% và 222% so với báo cáo tự lập, lên 80 tỷ đồng và 248 tỷ đồng.

LDG lý giải nguyên nhân lỗ thêm sau kiểm toán là do đơn vị kiểm toán đã thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với BCTC quý IV/2023 công ty công bố trước đó. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh một số vấn đề trong BCTC của LDG, bao gồm các vấn đề liên quan đến khu dân cư Tân Thịnh và cựu Chủ tịch Nguyễn Khánh Hưng.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Tập đoàn Dabaco (Ảnh minh hoạ)

Dabaco lãi lớn trong quý I

Quý I/2024, Dabaco ghi nhận gần 3.300 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 73 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái từng lỗ 321 tỷ đồng.

Trên thực tế nhà ở riêng lẻ và chung cư trong khu vực trung tâm đều không còn nguồn hàng. (Ảnh: MarketTimes).

Bất động sản riêng lẻ và đất nền có thật sự tồn kho?

Bộ Xây dựng công bố lượng tồn kho tại các dự án trong quý I năm nay chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền. Tuy nhiên, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng đất nền và nhà ở riêng lẻ đã trở lại sôi động hơn so với quý 4/2023.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE