Một cách dễ hiểu, tăng lương tối thiểu sẽ mang lại những lợi ích cho người lao động (NLĐ) như: tăng tiền lương nhận được mỗi tháng, Bảo hiểm thất nghiệp, hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng lương hưu cho NLĐ, tăng mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc hằng tháng cho NLĐ, tăng tiền lương ngừng việc khi NLĐ ngừng việc, tăng tiền lương tối thiểu cho NLĐ bị điều chuyển công việc, …
Thường thì doanh nghiệp không muốn tăng lương tối thiểu vì trước mắt sẽ làm tăng chi phí lao động, ảnh hưởng tới lợi nhuận của đơn vị; dù chúng ta có thể thấy tăng lương tối thiểu sẽ giúp giảm bớt biến động lao động, tăng năng suất, tăng khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, kích cầu hàng hóa và dịch vụ.
Những quan điểm khác nhau
Lương tối thiểu có mối quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế ở nhiều khía cạnh khác nhau và thu hút mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế. Tăng lương tối thiểu vào thời điểm nào và bao nhiêu dựa trên nhiều tính toán của các chuyên gia về nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội.
Ở một số nước Châu Âu, tiêu biểu như ở Pháp, Bỉ và Anh, lương tối thiểu được đánh giá định kỳ vào hằng năm (thường là vào đầu năm). Việc đánh giá căn cứ trên hai chỉ số: lạm phát biểu hiện qua khảo sát ít nhất 20% lao động có thu nhập thấp nhất; mức tăng của sức mua dựa trên tiền lương bình quân giờ của công nhân và viên chức. Trong một năm (từ tháng 5 năm 2021 đến tháng 5 năm 2022), mức lương tối thiểu của Pháp đã tăng 5,9%, tức là tổng 91 € mỗi tháng (72 € sau thuế). Chỉ số lạm phát được quan tâm trong đối tượng thu nhập thấp là cơ sở chính để đưa ra mức tăng lương tối thiểu ở các quốc gia này.
Theo trường phái kinh tế Tân - Cổ điển, tăng lương tối thiểu dẫn đến giảm việc làm. Bởi vì, một mặt, đây là lý do buộc các công ty phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ của họ, điều này có thể khiến người tiêu dùng giảm sức mua dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất (“hiệu ứng vĩ mô”); mặt khác, khi NLĐ được trả lương thấp nhưng doanh nghiệp phải tăng lương vì giá cả cao hơn mức lương tối thiểu, họ có thể quyết định thay thế một số người trong số đội ngũ lao động bằng máy móc và sử dụng một số ít công nhân lành nghề điều khiển (“hiệu ứng thay thế”).
Tuy nhiên, có một hiệu ứng khác, “hiệu ứng chéo ngành” giải thích cho việc quan điểm trên của trường phái kinh tế Tân - Cổ điển là chưa thuyết phục. Phải công nhận rằng, nếu những tác động của hai hiệu ứng trên diễn ra sâu sắc thì mức độ việc làm chung của những NLĐ được trả lương thấp có thể giảm xuống.
Nhưng không có lý do gì không mong đợi ở “hiệu ứng chéo ngành”: khi việc làm giảm trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhưng lao động thu nhập thấp được trả lương cao hơn thì ở các lĩnh vực khác, việc làm có thể không đổi hoặc thậm chí tăng lên do người tiêu dùng mua nhiều hàng hóa và sử dụng nhiều dịch vụ hơn khi mà giá cả của chúng ít nhạy cảm với sự thay đổi của mức lương tối thiểu.
Có một nhóm lý thuyết khác dựa trên chứng cứ ở những môi trường lao động chưa hoàn thiện cho rằng: ở môi trường này, việc tăng lương cho NLĐ có mức lương thấp có thể được doanh nghiệp bù đắp bằng một số cách: giảm lợi nhuận, phụ cấp và thực thi các biện pháp khác để giảm chi phí hoặc cải thiện năng suất. Điều này thật sự nguy hiểm ở những doanh nghiệp thể hiện “quyền lực độc quyền” trong tuyển dụng: thuê lao động địa phương, duy trì mức tiền lương thấp hơn so với đóng góp của NLĐ vào năng suất. Nói tóm lại, đây là cách giải thích theo mô hình “hiệu ứng độc quyền”: khi chi phí lao động tăng lên thì người sử dụng lao động tìm cách tối đa hóa lợi nhuận của họ bằng việc tăng sản lượng và việc làm.
Lý thuyết kinh tế vĩ mô cho rằng mức lương tối thiểu cao hơn làm tăng chi phí lao động cho người sử dụng lao động nhưng cũng kích thích tiêu dùng của NLĐ lương thấp và gia đình của họ. Nếu việc tăng lương tối thiểu không có tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh bên ngoài (đặc biệt là các nền kinh tế có thế mạnh về xuất khẩu) thì việc tăng sức mua có thể dẫn đến tăng nhu cầu hàng hóa và việc làm.
Theo đó, kể cả trong trường hợp một phần doanh nghiệp giảm việc làm không phải là nguyên do chính dẫn đến sự sụt giảm tổng thể về việc làm. Bởi vì, những doanh nghiệp khác có thể thuê thêm công nhân với mức lương cao hơn để thu hút nhiều người hơn vào thị trường lao động.
Tính toán lợi ích và trở ngại
Nhiều ý kiến cho rằng, những tác động tích cực của tăng lương tối thiểu lên tiêu dùng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, vì, khi chi phí lao động tăng lên thì cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá cả (tạo ra lạm phát) và người lao động sẽ mất sức mua mà họ có. Mặt khác, tiêu dùng nội địa chỉ có thể cải thiện nhẹ nhờ ảo tưởng về tiền tệ, và chúng ta rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của lạm phát và điều chỉnh tiền lương.
Xu hướng phản đối này cũng phủ nhận tác động phân phối lại của việc tăng lương tối thiểu. Theo họ, những người ủng hộ tăng mức lương tối thiểu chưa chứng minh được tác động này một cách rõ ràng. Trong lúc, một điều dễ nhận ra là khi mức lương tối thiểu tăng lên thì các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang trong quá trình khẳng định vị thế trên thị trường chịu tác động khá rõ rệt, và thị phần (kể cả lao động và sản phẩm) có thể sẽ rơi vào các doanh nghiệp có mức thu nhập cao và quy mô hơn.
Tuy nhiên, họ quên rằng, ở cấp độ vĩ mô, những khoản lợi nhuận của doanh nghiệp được tái đầu tư vào công ty (cải thiện điều kiện của chính NLĐ). Hơn nữa, lạm phát do lương tối thiểu tạo ra có thể làm giảm sức mua của các khu vực có thu nhập thấp phụ thuộc vào các khoản phúc lợi cố định, chẳng hạn như những người hưu trí hoặc những người thất nghiệp sống bằng nguồn lợi ích công chứ không hẳn là lực lượng lao động đang làm việc. Mặt khác, quan niệm tăng lương tối thiểu sẽ tác động bất lợi đến tỷ lệ thất nghiệp là không thuyết phục khi nhìn nhận vào thực tế.
Nghiên cứu “Tác động của tăng lương tối thiểu đến việc làm và năng suất lao động ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Việt Cường thực hiện chứng minh rằng, từ năm 2012 đến năm 2020, tăng lương tối thiểu không làm giảm việc làm và thất nghiệp. Trường hợp rất ít xảy ra ở các nền kinh tế trên thế giới: NLĐ được trả lương thấp nhất có thể bị đẩy ra khỏi thị trường lao động khi tăng lương tối thiểu; bởi, rất ít khi giá trị lao động của họ mang lại cho doanh nghiệp ít hơn lương tối thiểu.
Nghiên cứu trên cũng chứng minh điểm tích cực của lương tối thiểu là giúp tăng tiền lương cho NLĐ có mức lương thấp. Chẳng hạn, lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng tiền lương tháng của NLĐ có mức lương dưới mức lương tối thiểu lên 0,83%. Như vậy, chỉ với sự ảnh hưởng rõ rệt nhất đến những người mà chính sách hướng đến là những người có thu nhập thấp của chủ trương tăng lương tối thiểu đã tạo ra ưu thế để bẻ gãy các quan điểm phủ nhận.
Theo khảo sát của Oxfam, trong số 39,5% các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 1995 đến năm 2020 diễn ra trong lĩnh vực may mặc thì một trong những lý do chính là tiền lương. Trong ảnh: Một cuộc đình công xảy ra ở Ninh Bình vào đầu năm 2022.
Tăng lương tối thiểu có phải là gánh nặng đối với doanh nghiệp?
Chính sách tăng lương tối thiểu cho công nhân chưa phải là chi phí làm doanh nghiệp nặng gánh nhất so với những chi phí khác. Trên thực tế, mức lương trả cho NLĐ chiếm tỉ lệ nhỏ trong chi phí đầu vào cho sản xuất.
Oxfam (Oxford Committee for Famine Relief - Ủy ban Oxford về giải pháp cho nghèo đói và bất công) ước tính, trung bình chỉ 4% giá một sản phẩm may mặc được bán ở Úc là dành cho chi phí lương công nhân trong các nhà máy may mặc ở châu Á. Tổ chức tài chính Deloitte Access Economics ước tính: ngay cả khi các nhà máy tăng lương cho NLĐ đủ sống và chuyển toàn bộ chi phí này vào giá hàng thì cũng chỉ làm tăng giá sản phẩm may mặc lên 1%.
Những lợi ích của việc tạo ra quan hệ hài hòa trong lao động bởi tăng lương tối thiểu là rõ ràng. Và thực tế doanh nghiệp đang phải chi trả, chịu những hậu quả từ các vấn đề xung đột về quan hệ lao động là rất lớn: chi phí tổn thất của thời gian giải quyết xung đột, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất. Tiền lương thấp là nguyên nhân của phần lớn các tranh chấp, xung đột trong quan hệ lao động. Tiền lương cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công.
Các nguyên nhân của đình công mà ILO (International Labour Organization - Tổ chức Lao động Quốc tế) đã điều tra ở Việt Nam cho thấy: 33% NLĐ cho biết mức lương thấp hoặc chủ sử dụng lao động không tăng lương như cam kết; 25% do làm thêm giờ quá nhiều, 20% do không được trả lương cho những giờ làm thêm. Theo khảo sát của Oxfam, trong số 39,5% các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 1995 đến năm 2020 diễn ra trong lĩnh vực may mặc thì một trong những lý do chính là tiền lương.
Như vậy, trở ngại của việc tăng lương tối thiểu không nằm ở các quy luật kinh tế, thị trường hoặc yếu tố nhân văn của chính sách (vì đã được chứng minh một cách rõ ràng) hay hiện trạng (vì đã được tính toán cụ thể dựa trên các con số và tham vấn) mà là ở nhận thức của doanh nghiệp: chiến lược an toàn của người sử dụng lao động trước hết phải hướng đến đời sống của NLĐ, vì bản thân NLĐ là lực lượng mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp. Thu nhập mà họ nhận được trong quá trình lao động để có mức sống tốt tức là NLĐ đang tạo ra các điều kiện sống, tái tạo sức lao động để cống hiến một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển này.