Báo cáo tài chính (BCTC) năm 2022 đã kiểm toán của Bamboo Airways cho thấy năm 2022, hãng hàng không này đạt doanh thu thuần hơn 11.700 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ sau thuế kỷ lục kể từ khi hoạt động với hơn 17.600 tỷ đồng do các khoản như chi phí tài chính, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ mức 158 tỷ đồng lên 12.749 tỷ đồng, tăng 80,6 lần.
Bảng cân đối kế toán cho thấy, Bamboo Airways dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến -9.692 tỷ đồng, dự phòng khoản phải thu dài hạn khó đòi -2.800 tỷ đồng. Như vậy, có đến gần 12.500 tỷ đồng là khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi được ghi nhận vào khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp.
Ban lãnh đạo Bamboo Airways từng cho biết, việc mạnh tay trích lập dự phòng phải thu khó đòi là một trong các động thái quyết liệt của hãng bay trong quá trình tái cơ cấu để nâng cao chất lượng tài sản và phản ánh đúng thực trạng của công ty.
Ngày 21/6 tới đây, Bamboo Airways dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Kế hoạch năm 2023 Bamboo Airways dự kiến phát triển đội tàu bay đến cuối năm đạt 30-36 tàu bay trong đó tập trung tăng trưởng đội bay thân hẹp. Mục tiêu duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, doanh thu vận tải hành khách và hàng hóa kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong khoảng 15-20% so với năm trước.
Đánh giá của ban lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, thị trường nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh tiếp theo đà khôi phục ấn tượng như năm 2022 khi mà người dân dần quay lại thói quen di chuyển như trước dịch đồng thời Chính phủ và các Bộ ngành dang đẩy mạnh giải pháp kích cầu du lịch.
Với thị trường quốc tế, IATA dự báo sẽ đạt mức 80-90% dung lượng thị trường so với giai đoạn cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tuyên bố về việc mở cửa và gỡ bỏ chính sách Zero Covid. Mặc dù cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt nhưng giá nhiên liệu cũng đã bình ổn trở lại (giao động quanh mức 100 USD/thùng Jet A1) cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường vận tải hàng không phục hồi trong năm 2023.
Trong khi ghi nhận khoản thua lỗ khủng lên đến 17.600 tỷ, Bamboo Airways chủ động công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán, hãng hàng không Vietnam Airlines (mã HVN) lại có động thái trái ngược khi nhiều lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản yêu cầu công bố thông tin, thậm chí cổ phiếu đã chuyển sang diện kiểm soát, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 theo quy định.
Trong BCTC năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng.
Nếu BCTC kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HoSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Trong văn bản giải trình, nêu biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết, công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, báo cáo cổ đông và được đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị phê duyệt và triển khai đề án tái cơ cấu sau khi cấp có thẩm quyền thông qua nguyên tắc đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Trong đề án, công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, nhanh chóng phục hồi thông qua việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, bổ sung dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.