Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với doanh thu thuần tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 23.494 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của hãng hàng không quốc gia kể từ quý 4/2019.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán của công ty tăng 63%, thấp hơn mức tăng trưởng của doanh thu thuần, nhờ đó lợi nhuận gộp của công ty đạt 1.959 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gộp 1.595 tỷ đồng. Mức lợi nhuận gộp này đã tương đương thậm chí vượt mốc trước đại dịch (cao hơn quý 4/2019).
Tuy nhiên, dù doanh thu tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp 3,5 lần lên 366 tỷ đồng song các khoản chi phí của doanh nghiệp cũng đều tăng mạnh, trong đó, chi phí tài chính tăng 46,3% lên hơn 773 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 187% lên 1.048 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 đạt 19,3 tỷ đồng, trong khi quý 1/2022 lỗ hơn 2.621 tỷ đồng, qua đó kết thúc chuỗi thua lỗ 12 quý liên tiếp, kéo dài từ quý 1/2020. Dù vậy, sau khi trừ thuế, Vietnam Airlines vẫn lỗ sau thuế 104 tỷ đồng trong quý 1/2023, cải thiện đáng kể so với mức lỗ sau thuế 2.685 tỷ của cùng kỳ.
Khoản lỗ ròng của công ty mẹ cũng thu hẹp còn 104 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ ròng 2.613 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đến hết quý 1/2023, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines ở mức 34.303 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vietnam Airlines, lỗ sau thuế của doanh nghiệp giảm trong quý 1/2023 chủ yếu là nhờ việc doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 116% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu nội địa tăng 76,5%, quốc tế tăng 618,5% do thị trường phục hồi mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, công ty đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa so với trước dịch, và khai thác trở lại 90% số đường bay quốc tế so với trước đại dịch COVID-19.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt gần 59.579 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm ở mức 3.863 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm; hàng tồn kho cũng tăng 16% so với đầu năm, lên 3.571 tỷ đồng.
Đến hết quý 1/2023, nợ ngắn hạn của công ty tăng thêm 1.639 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 54.778 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 13.655 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm.
Gần đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4 do chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Trong BCTC năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng.
Nếu BCTC kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HoSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Trong văn bản giải trình mới đây, nêu biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết, công ty đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, báo cáo cổ đông và được đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị phê duyệt và triển khai đề án tái cơ cấu sau khi cấp có thẩm quyền thông qua nguyên tắc đối với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.
Trong đề án, công ty đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, nhanh chóng phục hồi thông qua việc tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, bổ sung dòng tiền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay doanh nghiệp vẫn đang hoàn tất các thủ tục đối chiếu, xác nhận công nợ với nhà cung cấp theo thủ tục kiểm toán để phát hành BCTC kiểm toán năm 2022 trong thời gian sớm nhất.