Lên kế hoạch lợi nhuận 6.000 tỷ đồng, chia cổ tức 19% bằng cổ phiếu
Ngày 23/4 tới, LienVietPostBank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm đại hội, ngân hàng dự kiến sẽ trình kế hoạch tổng tài sản đến cuối năm nay đạt 375 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,4% so với đầu năm. Huy động thị trường 1 dự kiến đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%, tăng trưởng tín dụng thị trường 1 dự kiến ở mức 16%, lên gần 273,5 nghìn tỷ đồng, có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của NHNN.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 5,4% so với kết quả đạt được trong năm 2022. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 12%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, HĐQT ngân hàng cho biết, sau khi trích lập các quỹ, tổng lợi nhuận còn lại có thể chia cổ tức là 3.393 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT Lienvietpostbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu. Tổng lợi nhuận dùng để chia cổ tức lần này là 3.285 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Lienvietpostbank.
Phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại, tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng
Cũng tại đại hội lần này, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2023. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng đang ở mức 17.291 tỷ đồng, Lienvietpostbank dự kiến sẽ tăng vốn lên 28.676 tỷ đồng (tương đương mức tăng 65,8%) thông qua 4 phương thức.
Thứ nhất, phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 19%. Giá trị phát hành dự kiến theo mệnh giá là 3.285 tỷ đồng.
Thứ hai, ngân hàng sẽ thực hiện chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá chào bán không thấp hơn mệnh giá.
Thứ ba là thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 300 triệu cổ phiếu. Giá chào bán dự kiến không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối cùng, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng dự kiến là 10 triệu cổ phiếu.
Thời gian thực hiện các phương án tăng vốn sẽ do HĐQT ngân hàng quyết định, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua và được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Em trai bầu Thụy được tiến cử vào HĐQT ngân hàng
Tại đại hội lần này, cổ đông Lienvietpostbank sẽ tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 -2028.
Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới dự kiến là 7 thành viên (tăng 1 thành viên so với nhiệm kỳ cũ), trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Đáng chú ý, trong danh sách ứng cử HĐQT mới có tới 4 gương mặt mới được đề cử bao gồm ông Nguyễn Văn Thùy, ông Lê Minh Tâm (Ủy viên HĐQT Chứng khoán Yuanta Việt Nam), ông Hồ Nam Tiến (quyền Tổng giám đốc ngân hàng), ông Bùi Thái Hà (Phó Tổng giám đốc thường trực ngân hàng).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Thùy là em ruột của ông Nguyễn Đức Thụy – Chủ tịch HĐQT ngân hàng, người vừa đầu quân cho Lienvietpostbank vào đầu tháng 3 vừa qua. Ông Thùy hiện đang giữ ghế Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành.
Danh sách BKS nhiệm kỳ mới dự kiến sẽ có 4 thành viên bao gồm bà Dương Hoài Liên, ông Trần Thanh Tùng, bà Nguyễn Thị Lan Anh và ông Nguyễn Phú Minh.
Tại đại hội lần này, HĐQT ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.
Ngân hàng cho biết tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.