Đổi tên thành LPBank
Ngày 23/4 tới, LienVietPostBank sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Bên cạnh một loạt các nội dung quan trọng như báo cáo kết quả kinh doanh 2022, kế hoạch kinh doanh 2023, phương án phân phối lợi nhuận 2022, phương án tăng vốn điều lệ, bầu Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát mới,… tại đại hội lần này, Hội đồng Quản trị ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc đổi tên viết tắt bằng tiếng Anh của ngân hàng từ LienVietPostBank thành LPBank.
Ngân hàng cho biết tên cũ có nhược điểm là quá nhiều ký tự, khó phát âm, khó nhớ dẫn đến khó nhận biết, hiệu ứng truyền thông không cao. Đồng thời xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay là sử dụng tên viết tắt dưới dạng rút gọn nhất có thể, dễ đọc, dễ nhớ.
Việc LienVietPostBank muốn đổi tên diễn ra trong bối cảnh cổ đông chiến lược của ngân hàng là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) muốn thoái toàn bộ hơn 140,5 triệu cổ phiếu nắm giữ khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, việc thoái vốn của VNPost không gặp nhiều thuận lợi.
Theo kế hoạch, ngày 21/4 tới, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên bán đấu giá toàn bộ số cổ phần LPB do VNPost sở hữu.
Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần của công ty.
Do đó, theo quy định tại Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của LienVietPostBank do VNPost sở hữu, phiên đấu giá cổ phần không đủ điều kiện để tổ chức. Sở giao dịch sẽ không thực hiện phiên đấu giá.
Hiện cổ phiếu LPB đang được giao dịch quanh mức 14.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 37,6% so với mức giá khởi điểm được VNPost đề ra (22.908 đồng/cổ phiếu).
Trước đó, vào đầu năm 2022, cổ đông này từng chào bán đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu sở hữu (tương đương 10,15% vốn điều lệ LienVietPostBank) với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc thoái vốn đã không thành khi chỉ có 7 nhà đầu tư đăng ký mua 800 cổ phần chào bán.
Trước đó, cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phần của LPB do VNPost sở hữu.
Nhà điều hành nhấn mạnh, LienVietPostBank có trách nhiệm phối hợp với VNPost thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt, xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần và có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LienVietPostBank (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo LienVietPostBank hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật.
Ngoài ra, người đại diện phần vốn góp của VNPost tại LienVietPostBank đã chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của LienVietPostBank, không tham gia quản trị điều hành tại LienVietPostBank.
Thay đổi lãnh đạo cao cấp
Cũng tại đại hội lần này, HĐQT LienVietPostBank sẽ trình cổ đông bầu thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 4 (2023-2028). Hiện thông tin chi tiết liên quan chưa được ngân hàng công bố cụ thể.
Từ cuối năm 2022, LienVietPostBank liên tục có những biến động liên quan đến lãnh đạo cao cấp. Tháng 12/2022, ông Nguyễn Đức Thụy đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đến tháng 3/2023, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc quyết định rời "ghế nóng" Lienvietpostbank sau 15 năm gắn bó với ngân hàng.
Sau khi ông Phạm Doãn Sơn từ nhiệm, ông Hồ Nam Tiến, Phó Tổng Giám đốc Thường trực được giao đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ngân hàng.
Trong một diễn biến liên quan, trong hơn một tháng qua hai nhân sự quan trọng đến từ Bảo hiểm Xuân thành và cũng là người thân của Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy liên tiếp trở về đầu quân cho LienVietPostBank. Đó là ông Đoàn Nguyên Ngọc, người từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT, sau đó là Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm Xuân Thành, cũng em rể của ông Thụy và ông Nguyễn Văn Thùy - em ruột của ông Thụy, cũng từng giữ ghế Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành.
Hiện LienVietPostBank chưa công bố thông tin cụ thể về vị trí làm việc của ông Thùy và ông Ngọc tại ngân hàng.