Nhưng chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tự nguyện hay quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với LĐPCT? Những cản trở nào trong việc quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động khu vực này?
“Độ phủ” thấp
Ở các nước đã có hệ thống BHXH và an sinh xã hội hoàn thiện, dù có khái niệm nền kinh tế phi chính thức nhưng khái niệm lao động chính thức và phi chính thức hầu như không tồn tại; thay vào đó là khái niệm lao động tự do và lao động hưởng lương. Ở các nước, tiêu biểu như Anh, Pháp hoặc Canada, khái niệm lao động hưởng lương còn được phân biệt với lao động theo giờ.
Khi phân biệt những lợi ích và hạn chế của từng loại hình lao động trên đây, ở các nước này thường không có những điểm tranh luận về chế độ BHXH. Bởi vì, hệ thống BHXH (bao gồm lương hưu, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội, … ) luôn bao gồm và bình đẳng (trong cách tính) giữa các loại hình lao động. Từ đó, chúng ta thấy có nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh câu chuyện BHXH và LĐPCT ở nước ta.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nước ta hiện có hơn 36 triệu lao động đang tham gia làm việc trong lĩnh vực phi chính thức. Trong giai đoạn 2013-2019, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức đã giảm hơn 12 điểm phần trăm từ 79,6% xuống 67,5% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên. Đây là một tín hiệu tốt, cho thấy quá trình phát triển kinh tế đang diễn ra với những điều chỉnh về cơ cấu. Nhưng, với con số chỉ khoảng 2,2% tham gia BHXH của hơn 36 triệu lao động phi chính thức cho thấy “độ phủ” của BHXH đối với khu vực lao động này đang còn rất thấp. Bức tranh ảm đạm đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Dựa vào các khảo sát cụ thể trên một địa bàn, nghiên cứu cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến LĐPCT không tham gia BHXH. Đó là, việc làm không ổn định và thu nhập thấp (82%), mức phí đóng bảo hiểm cao (67%), thời gian để đươc hưởng thụ chế độ khá dài (58%), thủ tục để tham gia còn rườm rà, phức tạp và chưa linh hoạt (65%), thiếu thông tin (56%), không tin tưởng (27%), không cần bảo hiểm (11%).
Thiếu sót của nghiên cứu này là không nêu ra nguyên nhân về sự cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm thương mại. Trong lúc, đây là nguyên nhân bên ngoài quan trọng nói lên việc sự cần thiết phải thay đổi bên trong để cạnh tranh của cơ quan bảo hiểm đối với BHXH tự nguyện là cấp bách.
Như vậy, để tăng số lượng người tham gia BHXH của khu vực lao động này, cần một loạt chính sách từ hệ thống bảo hiểm và hệ thống kinh tế.
Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa: baohiemxahoi.gov.vn
Tự nguyện hay bắt buộc?
Rõ ràng, việc tham gia BHXH sẽ giúp người lao động chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm, các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, … Vừa qua, vào ngày 5/6/2022, tại hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau Covid-19” thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế Economica Việt Nam cho rằng, tham gia BHXH cần được xem là yếu tố bắt buộc với người lao động, tương tự nghĩa vụ đóng thuế. Tuy nhiên, sẽ có nhiều khó khăn (đối với cả người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan bảo hiểm) khi thực hiện quy định bắt buộc.
Trong các nguyên nhân nêu trên, một nguyên nhân chính cần nhấn mạnh là: việc làm của khu vực LĐPCT không ổn định. Và cần nhớ rằng, việc làm phi chính thức là trạng thái khá dai dẳng với họ. “Giậm chân tại chỗ” ở khu vực LĐPCT trong khoảng thời gian dài với nhiều công việc khác nhau, đứt quãng là tình trạng phổ biến.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách tự nguyện, để tăng “độ phủ” BHXH tự nguyện phải đủ hấp dẫn đối với họ. Và lúc đó, dựa vào tính đa dạng của khu vực lao động này, cơ quan bảo hiểm phải tính toán đến nhiều phương án tham gia phù hợp với từng đối tượng. Nghĩa là, cơ quan bảo hiểm không lấy đặc trưng của khu vực LĐPCT để đưa ra nguyên nhân của “độ phủ thấp”. Và mặt khác, không đặt bài toán bảo hiểm đối với khu vực lao động này trong tương quan với khu vực lao động chính thức, tức có thể phải chịu một số thiệt thòi cơ bản khi triển khai. BHXH đối với LĐPCT trong bối cảnh hiện nay có thể cần được xem như một chính sách phúc lợi xã hội triệt để.
Vậy khi nào thì chúng ta có thể quy định bắt buộc tham gia BHXH với khu vực LĐPCT? Làm sao để tránh được tình trạng “quy định thì bắt buộc” nhưng “thực hiện thì không bắt buộc”? Câu trả lời ở đây rất đơn giản: Là khi pháp luật có khái niệm “lao động chui”, “việc làm đen”, “lao động không khai báo”, “việc làm bất hợp pháp” đối với tất cả các công việc có thỏa thuận, mang lại thu nhập hoặc đối với người có thu nhập và khả năng chi trả ở ngưỡng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Quy định khai báo đối với người sử dụng lao động có thể là một trong những cách thức thực hiện. Đây là căn cứ hiệu quả để thực hiện chính sách BHXH toàn dân ở các nước phát triển. Tuy nhiên, tính đồng bộ là yêu cầu tiên quyết trong chính sách này.
Những người lao động là lái xe ô tô công nghệ tổ chức bầu Ban Chấp hành và chức danh Chủ tịch Nghiệp đoàn Lái xe ô tô công nghệ Hà Nội nhằm bảo vệ các quyền lợi cho các thành viên trong Nghiệp đoàn. Ảnh: NGỌC ÁNH
Giải pháp nào?
Đã có nhiều ý kiến đưa ra các giải pháp để tăng số lượng LĐPCT tham gia BHXH như: đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; chính sách BHXH ổn định, phù hợp; nâng cao kỹ năng cho cán bộ bảo hiểm; …
Trong các giải pháp trên, nòng cốt nhất vẫn là: BHXH tự nguyện hãy tạo ra kênh thông tin để thể hiện ưu điểm của mình cho khu vực LĐPCT nắm bắt.
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, nước ta có khoảng 1/3 lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức là LĐPCT, khoảng 60% LĐPCT tập trung ở các khu vực nông thôn, nơi có nhiều các làng nghề truyền thống, các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Đặc điểm này nói lên việc thực hiện chiến lược tăng độ phủ BHXH tự nguyện không phải là bất khả thi, ít nhất và trước mắt là đối với số LĐPCT nhưng liên quan khu vực chính thức và làng nghề truyền thống.
Ý kiến cần tăng tính liên thông cho hai loại hình BHXH bắt buộc và tự nguyện là rất thuyết phục. Tức là cho phép đối tượng của BHXH tự nguyện tham gia có điều kiện vào loại hình BHXH bắt buộc (khi người lao động có đủ điều kiện), thì có thể tự nguyện tham gia đóng góp vào quỹ BHXH bắt buộc để hưởng các quyền lợi như những người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay.
Ở chiều ngược lại, nên mở ra cơ hội cho đối tượng của BHXH bắt buộc cũng được tham gia đóng góp vào loại hình BHXH tự nguyện nhằm tăng mức hưởng lương hưu và các chế độ khác cho người lao động. Đây là một bước đệm tốt để tạo đà cho triết lý BHXH toàn dân và rút ngắn khoảng cách giữa tư duy BHXH bắt buộc và tự nguyện. Bởi vì, chừng nào còn phân biệt rạch ròi giữa LĐPCT và lao động chính thức khi bàn đến BHXH thì lúc đó chúng ta chưa có được một hệ thống BHXH toàn vẹn.