"Làn sóng" cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng cuối năm

Thiếu đơn hàng, lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, tình trạng này buộc các công ty phải cắt giảm lao động.

Những ngày gần đây, liên tục có thông tin hàng nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và có nguy cơ mất việc tại khu vực phía Nam.

Đơn cử như Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) đã chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân, tương đương hơn 60% nhân công với lý do không có đơn hàng. Trong số công nhân mất việc có hơn 60% là nữ, nhiều người đã ngoài 40 tuổi, hầu hết gắn bó với công ty 10-15 năm.

Tương tự, tại Công ty TNHH Việt Nam Samho, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất giày da (huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng thông báo dự kiến cắt giảm hơn 1.400/8.700 công nhân lao động từ tháng 12/2022. Lý do được nêu ra là khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, hiện nay trong tổng số 17 khu Chế xuất và Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có 51 doanh nghiệp báo cáo giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân các doanh nghiệp giảm đơn hàng là do tác động bởi cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraine, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở Châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, Châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm…

Nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như, nữ trang, thời trang cao cấp (quần áo, da giày có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, gỗ...).

Quảng cáo

Theo Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, con số 51 doanh nghiệp bị ảnh hưởng là chưa phản ánh đúng thực trạng. Bởi số lượng doanh nghiệp đông, địa bàn rộng, một số doanh nghiệp vẫn còn che giấu thông tin, không công bố công khai, nhiều công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn báo cáo.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay có 3 nhóm giảm đơn hàng. Cụ thể, nhóm 1 là 51 doanh nghiệp đã có báo cáo, với gần 6.000 công nhân bị ảnh hưởng. Nhóm 2 là những doanh nghiệp cho giảm giờ làm (nghĩa là không tăng ca), nhóm này chỉ thừa nhận là giảm giờ làm nhưng vẫn đảm bảo 1 ngày làm 8 tiếng. Nếu công nhân làm việc không tăng ca thì thu nhập bị giảm từ 3 - 4 triệu/tháng. Nhóm 3 là các công ty có giảm đơn hàng thực tế, tuy nhiên họ không biết được công ty mẹ có tiếp tục rót đơn hàng về hay không, hoặc nhóm này giấu thông tin vì lo ngại công nhân bỏ việc, gây ảnh hưởng sản xuất.

Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cũng cho thấy, trong tháng 10, Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận gần 11.600 trường hợp mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nâng tổng số hồ sơ đã tiếp nhận từ đầu năm đến nay là hơn 117.500 trường hợp.

Thông tin thêm, tại buổi họp báo kinh tế xã hội định kỳ tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 của UBND TP.HCM diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, qua khảo sát nhanh 234 doanh nghiệp có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao thì có 109 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động, 125 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời có 8 doanh nghiệp cắt giảm 39 lao động và có 83 doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng.

Đối với doanh nghiệp trong khu công nghệ cao chưa ghi nhận tình trạng thiếu hụt lao động.

Theo ông Lâm, thống kê từ đầu năm đến nay, có 22 doanh nghiệp gửi phương án sắp xếp lại lao động về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số 1.643 lao động bị cho thôi việc. Đồng thời, các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất chủ yếu ở ngành may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm.

Trước tình hình trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã giao Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM gặp trực tiếp đại diện các doanh nghiệp cắt giảm lao động, đồng thời phối hợp Phòng Việc làm - An toàn lao động, Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với công đoàn cơ sở, người lao động tại công ty thu hẹp sản xuất... để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm.

Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lập tổ liên ngành để kiểm tra lại nhu cầu lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị có thông báo thiếu hụt đơn hàng, giảm đơn hàng trong quý 4/2022 và quý 1/2023 để có phương án xử lý lao động từ sớm, tránh ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp Sao chép

Cùng chuyên mục Việc làm

Nghịch lý thị trường việc làm tại Mỹ hậu đại dịch

Tình trạng cắt giảm việc làm vẫn tiếp tục tại một số tập đoàn lớn nhất của Mỹ, nhưng số khác vẫn đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, do những tác động của đại dịch.

ChatGPT sẽ trở thành đối thủ hay trợ thủ đắc lực của người lao động? Các hãng công nghệ lớn đối mặt với quy định khắt khe hơn của EU "Đại nghỉ việc" trong kỷ nguyên hậu COVID-19