Định vị thị trường
Với bối cảnh chung, thành tích của VN-Index từ đầu năm đến nay vẫn chấp nhận được. So với một số thị trường chứng khoán Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, VN-Index là sự đối lập khi đã tăng hơn 7%. Dù vậy, tính trong vòng 1 năm trở lại đây, mức độ giảm của chúng ta vẫn sâu hơn các thị trường này.
Ngoài ra, trạng thái có thể sẽ còn tích cực hơn nữa nếu chỉ số chinh phục thành công đường MA200. Phiên hôm nay là lần đầu tiên, VN-Index đóng cửa trên MA200 kể từ tháng 4/2022.
Chất xúc tác
Trước phiên giao dịch, nhà đầu tư đón nhận thông tin về chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - PMI ngành Sản xuất Việt Nam đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4, đây là lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp của các điều kiện kinh doanh.
Việc theo dõi PMI vẫn giúp cho nhà đầu tư có những cái nhìn vĩ mô về xu hướng ngành sản xuất thời gian tới. PMI tháng 5 giảm sâu trong khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng 4 cho thấy bức tranh chung có thể còn những cái nhìn trái chiều.
Kỳ vọng của thị trường chứng khoán do vậy cũng không thể quá xa so với thực tế. Dòng tiền nội có thể duy trì được các phiên giao dịch có thanh khoản trên mức bình quân 20 phiên đang được xem là thành công. Phiên hôm nay tiếp tục là phiên đạt trên ngưỡng này, qua đó đã có 16/17 phiên giao dịch đều đáp ứng kỳ vọng.
Cũng cần nhắc lại về sự đứng ngoài của khối ngoại. Dù không còn bán ròng lớn như các phiên trước nhưng tiếp tục có hơn 110 tỷ đồng bị rút khỏi HOSE.
Vận động nhóm ngành
Với số liệu PMI chưa hề tích cực, thị trường cũng đã phải trải qua bài test tâm lý với một nhịp rung lắc từ cuối phiên sáng đến 14h. Nhịp nhúng là không quá mạnh và tới kết phiên, chỉ số VN-Index vẫn kịp quay đầu đóng cửa tại 1.078,39 điểm (+0,3%). Theo tính toán, trung bình 200 phiên của VN-Index chỉ là 1.077 điểm nên chỉ số đã có phiên đóng cửa trên MA200.
Các cổ phiếu VN30 có những đóng góp nhất định của GVR (+3,3%), TPB (+4,6%), TCB (+1,2%), MBB (+1,1%), STB (+1,1%). Cùng với đó là các mã Ngân hàng khác như OCB (+6,2%), MSB (+2,5%), EIB (+2,7%).
Ngân hàng như vậy đã có màn thể hiện đồng đều hơn thay vì chỉ để một mình VCB tác động vào chỉ số như phiên giao dịch ngày 30/5. Độ rộng của HOSE nhờ vậy cũng ghi nhận sắc xanh chiếm sự chủ động: 216 mã tăng so với 74 mã đứng giá và 156 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu Khu Công nghiệp dưới sự dẫn dắt của GVR cũng có các mã tích cực VGC (+4,5%), KBC (+1,6%), ITA (+7%). Trong khi đó, nhóm Chứng khoán là VND (+4%) hút tiền kéo theo ORS (+5,4%), VIX (+4,2%), FTS (+2,7%), BSI (+2%).
Nhóm Bất động sản nhờ DIG (+3,75%), GEX (+6,8%) giao dịch đều trên 500 tỷ đồng đã giúp cho các mã LGL, TDH, GEX, DLG, LDG đều tăng trên 6%.
Tổng giá trị giao dịch của HOSE đạt 13,861 tỷ đồng, tương đương 856,81 triệu đơn vị. Giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa đến 1.000 tỷ đồng.
Ở 2 sàn còn lại, UPCoM có sự đóng góp đột biến từ MVN (+10,61%), QNS (+4,41%) nên chỉ số UPCoM-Index đã tăng với biên độ khá rộng, đạt 1,78%, đóng cửa tại 83,51 điểm. HNX-Index có biên độ hẹp hơn, tăng 0,52% lên 223,97 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.600 tỷ đồng.