Lãi suất tăng là xu hướng đã thể hiện từ đầu năm 2022, đặc biệt mạnh lên những tháng gần đây. Từ đầu tháng 10 đến nay nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng mạnh thêm, các mức 8-8,5%/năm lãi suất huy động đã trở nên phổ biến. Chưa dừng lại, chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm mức lãi suất huy động vẫn có thể tăng. Bởi, đây được coi như là giải pháp thu hút được lượng lớn tiền gửi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Diễn biến và xu thế trên đang gây áp lực lãi suất cho vay, thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt vào quý cuối năm 2022 và năm 2023.
MỘT BÀI THỬ TĂNG GIÁ...
Ông Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không còn nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế nữa, mà phải tập trung để ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay. Theo đó, khi lãi suất tiết kiệm tăng sẽ kích thích lượng tiền gửi vào ngân hàng, bảo đảm thanh khoản dồi dào để cho vay khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.
Ở khía cạnh khác, như trên, áp lực lãi suất cho vay tăng lên, chi phí vay vốn tăng lên trong bối cảnh nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào đã tăng trước đó, khiến doanh nghiệp khó thêm khó. Họ cũng không “chuyền tay” được những chi phí đội lên hoàn toàn vào giá bán.
Ông Vũ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUNHOUSE cho biết, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cần lượng vốn lớn để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gia dụng sang các thị trường quốc tế. Tuy vậy, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã đẩy lên từ 0,5-1% so với trước đã ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Vừa rồi, chúng tôi cũng có bài thử với 4 sản phẩm tại thị trường Mỹ. Sau 3 tháng ra mắt, các sản phẩm được tăng giá lên 10%. Kết quả là, có 3 trong 4 sản phẩm bị giảm doanh thu 10% ở tháng liền kề.
Điều đó cho thấy, tăng giá sản phẩm là một yếu tố nhạy cảm và khó có thể thực hiện khi rất nhiều chi phí đầu vào tăng, trong đó có lãi suất cho vay… đã khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn”, ông Hải chia sẻ.
Cũng trong tình trạng tương tự, kinh doanh mặt hàng do Nhà nước quy định giá, ông Bùi Ngọc Tường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành cho biết, lãi suất tăng nhưng giá sản phẩm chưa thể tăng ngay sau đó cũng khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.
“Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất. Để bù đắp, doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí về nhân công, vật tư và kéo dài thời gian sử dụng các thiết bị máy móc vận hành bằng các phải chuẩn bị tốt, phải bảo dưởng định kỳ… tránh thay thế máy mới, từ đó sẽ tiết giảm chi phí sản xuất”, ông Tường chia sẻ.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, thực tế lãi suất cho vay ổn định thì nguồn vốn tài chính của doanh nghiệp mới ổn định và có dư địa để thực hiện những kế hoạch mục tiêu. Khi lãi suất tăng, bản thân các doanh nghiệp phải xem xét lại kế hoạch và tính toạn lại có nên cắt giảm nguồn lao động hay thu hẹp về quy mô hay không.
“Trước đó, thời dịch COVID-19, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ xoay quanh 8%/năm. Hiện, lãi suất cho vay phổ biến đối với doanh nghiệp tại ngân hàng là 9-10%/năm, thậm chí trên 10%. Cùng với chi khi khác tăng, đã có không ít doanh nghiệp báo với chúng tôi khả năng doanh thu sẽ sụt giảm từ 10-20% trong thơi gian tới”, ông Mạc Quốc Anh thông tin.
CO CỤM KHI LÃI VAY CÒN TĂNG TIẾP?
Nhận định về xu hướng lãi suất thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hạn mức tín dụng đã được nới thêm khoảng 2% trong quý 3 và được kỳ vọng sẽ nới thêm 2% nữa trong quý cuối năm 2022; đồng thời, việc bán USD của NHNN để cố gắng kiểm soát tỷ giá sẽ làm gia tăng áp lực thanh khoản của đồng VND.
“Các ngân hàng có thể sẽ tăng lãi suất huy động thêm 0,5% trong thời gian đến cuối năm 2022 và tăng tổng cộng 1% trong cả năm nay để tăng cường nguồn vốn huy động”, ông Ánh dự báo.
Theo ông Mạc Quốc Anh, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt với mặt hàng tiền tệ, khi lãi suất huy động lãi suất cao chắc chắn lãi suất đầu ra cũng phải tăng theo tăng, đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nếu lãi suất tiếp tục tăng thời gian tới thì chi phí hoạt động sẽ càng tăng cao, khiến doanh thu không đủ bù chi phí, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất kinh doanh mà không dám nghĩ đến chuyện vay thêm để đầu tư”, ông Mạc Quốc Anh quan ngại.
“Vì vậy, ngành ngân hàng phải làm sao cố gắng giữ lãi suất của các tháng cuối năm tương đương với những tháng đầu năm để các doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ và lãi vay cho hệ thống ngân hàng.
Thời gian tới các ngân hàng thương mại bằng việc cắt giảm chi phí trong hoạt động của mình hoặc cắt giảm một phần lợi nhuận để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn SUNHOUSE cho biết, khi tăng lãi suất cho vay tăng, thì các doanh nghiệp đã ý thức việc sử dụng vốn phải tiết kiệm hơn và cần phải đảm bảo các hoạt động kinh doanh có hiệu quả có thể thu lợi.
“Trước mắt, chúng tôi phải tiết giảm tất cả các khoản chi phí có thể nhất đề bù vào chi phí lãi suất. Ngoài ra, khi không tăng giá được các sản phẩm cũ, chúng tôi đầu tư mạnh vào các sản phẩm mới có giá trị hơn với người dùng. Khi tạo ra sản phẩm có giá trị khác biệt thì việc tăng giá sản phẩm không phải là vấn đề lớn đối với khách hàng”, ông Hải đưa ra giải pháp.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 10 vừa qua, Phó thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, NHNN khi điều chỉnh lãi suất điều hành cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
“Đồng thời chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Sơn nhấn mạnh.
Nhưng, vấn đề là: lãi suất liên tiếp tăng cao, chi phí đầu vào đội lên, trong khi vẫn giữ nguyên trần lãi suất cho vay ở một số phân khúc, lĩnh vực như trên, liệu biên lợi nhuận có còn hấp dẫn và chính ngân hàng cũng trở nên co cụm “không muốn cho vay” ở đây?