Lãi suất huy động tiếp cận mốc 9%
Sáng nay (10/10), Ngân hàng Kienlongbank tung ra chương trình ưu đãi tiết kiệm số ưu việt với mức lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm.
Cụ thể, khách hàng tham gia gửi tiết kiệm trực tuyến thông qua ứng dụng KienlongBank Plus hoặc Umee by KienlongBank và lựa chọn phương thức lãnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng lãi suất trực tuyến lên đến 8,6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, tăng vọt từ 0,7 đến 1,2 điểm % so với mức lãi suất ngân hàng áp dụng cho các kỳ hạn trên trước đó.
Đối với các kỳ hạn ngắn (từ 6 tháng đến dưới 12 tháng) mức lãi suất ưu đãi cũng được điều chỉnh dao động từ 8,1% - 8,3% tùy từng kỳ hạn, tương đương tăng khoảng 1 điểm % so với trước đó.
Trong trường hợp khách hàng lựa chọn hình thức gửi tiết kiệm trực tiếp tại quầy thay vì tiết kiệm trực tuyến, mức lãi suất cũng được điều chỉnh tăng 0,3 điểm % tương ứng với từng kỳ hạn. Sau điều chỉnh, biên độ lãi suất cho các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 36 tháng dao động từ 7,8% - 8,3%.
Trước đó, ngày 8/10, Ngân hàng SCB cũng đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tại hầu hết kỳ hạn đối với nhiều sản phẩm.
Cụ thể, đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,95 điểm % từ 6,85%/năm lên 7,8%/năm. Tại kỳ hạn 9 tháng, lãi suất tăng thêm 1 điểm % từ 7%/năm lên 8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,9 điểm % lên 8,2%/năm.
Mức lãi suất tiết kiệm online cao nhất hiện đang áp dụng tại ngân hàng là 8,9%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, tăng 1,35 điểm % so với con số trước đó là 7,55%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường hiện nay.
Ngân hàng Bản Việt mới đây cũng công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 8,4%/năm, áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi 18 tháng, cho hình thức nhận lãi cuối kỳ.
Một điều đáng chú ý, thông thường, các ngân hàng thường chỉ áp dụng mức lãi suất cao đối với các khoản tiền gửi lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên. Nhưng nay, đã có hiện tượng lãi suất cao như vậy áp luôn cho các khoản tiền gửi nhỏ. Ngân hàng Bản Việt cho biết, chỉ với mức tiền gửi từ 10 triệu đồng, khách hàng đã được hưởng mức lãi suất cao trên.
Ngoài ra, những kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao như 6 tháng là 7,5%/năm, 9 tháng là 7,8%, 12 tháng lên 8% và 15 tháng lên 8,2%. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.
Không nằm ngoài “cuộc đua”, sau khi tăng mạnh lãi suất thêm 0,7-1 điểm %/năm hôm 24/9, đến ngày 6/10, VPBank tiếp tục áp dụng biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân, với mức cộng thêm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, VPBank tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng từ 6,2-7%/năm lên 6,5 – 6,8 – 7 – 7,1 – 7,2 - 7,3%/năm, tương ứng với các mốc số tiền gửi là 300 triệu – 3 tỷ - 10 tỷ - 50 tỷ đồng.
Tương tự, lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng tăng 0,3 điểm % lên 7-7,8%/năm. Theo đó, lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của VPBank đã tăng lên 7,8%/năm, dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất các kỳ hạn dài cũng tăng với biên độ tương tự. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng lên 7,2-8%/năm. Để được hưởng lãi suất 7,5%/năm, khách hàng gửi trên 300 triệu đồng; lãi suất 7,7% tương ứng số tiền từ 3 tỷ đến 10 tỷ; lãi suất 7,8%/năm cho số tiền từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ; lãi suất cao nhất 8%/năm dành cho số tiền từ 50 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất huy động đã về giai đoạn trước COVID-19
Sau động thái tăng một số lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các ngân hàng thương mại trong hệ thống đều đã điều chỉnh tăng mặt bằng lãi suất huy động, với mức tăng 30 – 100 điểm cơ bản tùy kỳ hạn. Trong đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chính thức tăng 50 điểm cho tất cả các kỳ hạn, và các ngân hàng thương mại khác như MBB, ACB, Techcombank, VPBnank,… cũng ghi nhận mức tăng 30-100 điểm.
Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư. Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại đã quay về giai đoạn trước COVID -19 và áp lực vẫn còn tương đối lớn, khi chênh lệch huy động – tín dụng chưa được cải thiện nhiều.
Trên thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng tương đối yếu trong 9 tháng đầu năm, khi chỉ tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động – tín dụng duy trì ở vùng âm kể từ tháng 7 năm nay.