Quay về eMagazine
KHẨU VỊ TIỀN NGOẠI

KHẨU VỊ TIỀN NGOẠI

Kể từ năm 2020 đến hết năm 2023, khối ngoại bán ròng khoảng 3 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, nhưng vẫn âm thầm đổ vào thị trường qua các thương vụ mua cổ phần chiến lược.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

3 TỶ USD SAU 4 NĂM

Là giá trị bán ròng của khối ngoại từ năm 2020 tới nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bất chấp những tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Tính riêng trong năm 2023, khối ngoại đã bán ròng hơn 1 tỷ USD trên thị trường.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đến từ các quỹ ETF cũng như nhóm quỹ chủ động. Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT FIDT, nhiều nhóm quỹ chủ động có hiệu suất âm trong thời gian dài, nhiều quỹ âm 25-30%, thậm chí nặng hơn, do đó, nếu đặt vai trò cổ đông của các quỹ thì động thái rút ròng là tất yếu khi so sánh với hiệu suất các thị trường khác. Thời điểm cuối năm cũng là giai đoạn quyết định để tất toán các khoản đầu tư kém hiệu quả, dẫn đến việc các quỹ bán ròng quyết liệt hơn.

Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, bất chấp việc áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt, dòng tiền ngoại liên tục bán ròng xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới. Theo đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử.

Tính từ năm 2020 đến nay, giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán đã lên đến 3 tỷ USD.

“Có thể thấy, thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn đang có thành tích tốt và xu hướng mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có thành tích không tốt trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2023 tới nay.

"Thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn đang có thành tích tốt và xu hướng mạnh”, ông Đinh Quang Hinh, Công ty chứng khoán VNDIRECT

Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn. Việc khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn đã khiến dòng tiền nội “chùn bước” và là lực cản chính cho sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong nước”, ông Hinh nói.

screenshot-2023-12-29-at-101803-3221.png

Lý giải nguyên nhân khối ngoại bán ròng thời gian qua, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), CTCP Chứng khoán SSI cho biết, khối ngoại bán ròng mạnh đến từ sự đảo chiều rút ròng các quỹ ETF và xu hướng rút ròng chung của các quỹ đầu tư đa quốc gia rút khỏi các thị trường mới nổi. “Nguyên nhân đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng”, bà Phương nói.

hoang-viet-phuong-ssi-822.png
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), CTCP Chứng khoán SSI

“Để có thể thu hút dòng vốn quỹ ngoại một cách dài hạn hơn, bên cạnh việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để có thể kích hoạt một lượng vốn Quỹ ETF và chủ động, thị trường chứng khoán nên phát triển một cách sâu rộng hơn”, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research).

Trong thời gian tới, theo bà Phương, điểm sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đến từ môi trường vĩ mô ổn định (tỷ giá và lạm phát được kiểm soát), chính sách tiền tệ thuận lợi (mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp trong lịch sử), tiêu dùng trong nước vẫn còn tiềm năng lớn để phát triển khi cơ cấu dân số vẫn trong giai đoạn vàng và dòng vốn FDI tích cực nhờ xu hướng chuyển dịch và lợi thế từ câu chuyện Trung Quốc +1. Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi cũng được kỳ vọng giúp thu hút hàng tỷ USD đổ vào thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, để có thể thu hút dòng vốn quỹ ngoại một cách dài hạn hơn, thị trường chứng khoán cần phát triển một cách sâu rộng hơn, bao gồm: Đẩy mạnh số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn nhằm đa dạng hóa các ngành nghề niêm yết và từ đó các doanh nghiệp cũng sẽ giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng; tăng tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức (bao gồm cả quỹ hưu trí) để giúp thị trường ổn định hơn.

TIỀN NGOẠI CHỌN LỌC

Mặc dù bán ròng trên thị trường chứng khoán nhưng tiền ngoại thực tế không rút khỏi thị trường tài chính Việt Nam, thậm chí nhiều thương vụ tỷ USD đã ghi nhận trong thời gian qua thông qua các thương vụ mua cổ phần chiến lược, M&A ngoài sàn. Nổi bật nhất là thương vụ SMBC mua 15% cổ phần VPBank trong đợt chào bán riêng lẻ với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD giữa năm 2023. Hay Daytona Investments mua cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP); Hana Securites trở thành cổ đông chiến lược của Chứng khoán BSC; ASKA Pharmaceutical liên tục tăng sở hữu tại Dược Hà Tây (DHT) qua các đợt chào bán riêng lẻ.

kcm02455-small-675-2311.jpg
Thương vụ VPBank bán 15% vốn cho SMBC, thu về gần 36.000 tỷ đồng

Với hoạt động mua bán, sáp nhập ngoài sàn có thể kể đến như thương vụ SMBC mua 49% cổ phần FE Credit từ VPBank năm 2021 với giá trị thương vụ vào khoảng 1,4 tỷ USD; AEON chi 180 triệu USD mua 100% vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) từ SeABank; ESR bỏ ra 450 triệu USD mua cổ phần BW Industrial, Krungsri mua 50% vốn SHB Finance từ SHB,…

Một số thương vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ như Thomson Medical chi gần 380 triệu USD mua Bệnh viện FV; VinaCapital rót vốn vào Bệnh viện Thu Cúc; Dongwha Pharm mua lại 51% cổ phần Trung Sơn Pharma; Tập đoàn Raffles Medical Group (RMG) mua lại cổ phần kiểm soát Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH);…

khau-vi-tien-ngoai-ong-dominic-4496.jpg
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital

"Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hấp dẫn dòng vốn ngoại, không chỉ dân số, địa chính trị, tốc độ tăng trưởng tốt", ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhận xét rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hấp dẫn dòng vốn ngoại, không chỉ dân số, địa chính trị, tốc độ tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, còn có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ.

“Với sự hồi phục của các nền kinh tế mới nổi, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII - Foreign Indirect Investment) sẽ chọn lọc kỹ hơn trong số các nền kinh tế phát triển, nơi có những câu chuyện riêng để đầu tư và Việt Nam sẽ là một điểm đến”, ông Dominic dự báo.

Dự báo về xu hướng M&A năm 2024, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cho biết, thị trường M&A Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng vào năm 2024, được hỗ trợ bởi nhiều bước tiến kinh tế và cải cách nhằm thu hút FDI, với các giao dịch gia tăng trong các lĩnh vực chính như năng lượng xanh, công nghệ, bất động sản và chăm sóc sức khỏe, được mở rộng do hỗ trợ chính sách và nhu cầu gia tăng.

Xu hướng đầu tư sang các ngành này do tăng trưởng cơ sở hạ tầng, và công nghệ được thúc đẩy bởi chuyển đổi số. Ngành y tế dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi thay đổi về dân số.

Ngành bất động sản tiếp tục sôi nổi nhờ nhu cầu về tài sản chất lượng cao. Vấn đề được quan tâm nhất sẽ tiếp diễn trong năm 2024 là việc tập trung củng cố bảng cân đối kế toán để vượt qua "cơn bão" đang diễn ra.

Theo Ấn phẩm Sức mạnh nội lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE