Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC) vừa thông qua việc sử dụng tài sản của công ty làm tài sản thế chấp đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát.
Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Đô thị Kinh Bắc vừa thông qua việc sử dụng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát (TCC) là 12.681 tỷ đồng (chiếm 100% vốn tại TCC) làm tài sản thế chấp để đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay liên quan đến dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát của TCC tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB).
Bên cạnh đó, HĐQT KBC cũng thông qua việc sử dụng 15 triệu cổ phiếu thuộc sở hữu của KBC tại Công ty CP Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc (SCD) làm tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ trả nợ của TCC tại VPB.
Thời hạn bảo đảm được tính từ ngày phát sinh các khoản vay đến khi toàn bộ nghĩa vụ trả nợ hoàn tất.
Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị Tràng Cát là chủ đầu tư dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát tại tỉnh Hải Phòng với diện tích 584,91 ha, dự án đã được bàn giao đất, được chấp thuận san lấp mặt bằng và đã đền bù 581,9 ha. Dự án đã cơ bản hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ dự án, xây dựng hầm chui dẫn từ đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến dự án.
Trong quý I/2024, KBC đã nhận được khoản đặt cọc 5.650 tỷ đồng từ Công ty CP Du lịch Sài Gòn Hàm Tân để đảm bảo việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản cho 40ha ở tại dự án khu đô thị Tràng Cát.
Về tình hình tài chính của KBC, tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của công ty đã tăng hơn 2.271 tỷ đồng so với đầu năm, tương ứng tăng 62,1% lên 5.931 tỷ đồng và bằng 28,8% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là gần 392 tỷ đồng và nợ vay dài hạn xấp xỉ 5.539 tỷ đồng.
Để cơ cấu các khoản nợ, vào giữa tháng 11/2024, công ty đã công bố nghị quyết thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng tỷ lệ đăng ký chào bán trên lượng cổ phiếu đang lưu hành là 32,57%, giá chào bán dự kiến thấp nhất là 16.200 đồng/cổ phiếu và giá cao nhất dự kiến là 80% của giá trung bình 30 phiên liên tiếp tới khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có văn bản chấp thuận. Giá chào sẽ được HĐQT quyết định và thời gian thực hiện dự kiến từ quý I đến quý III/2025, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Theo tính toán của KBC, dựa trên nhu cầu vốn hiện tại, công ty dự kiến cần huy động 6.250 tỷ đồng (tương ứng với giá chào bán 25.000 đồng/cổ phiếu) từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong năm 2024. Trong đó, công ty dự kiến dùng 6.090 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ (giải ngân từ quý I đến quý IV/2025; còn lại 160 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.
Trong nghị quyết về phát hành cổ phiếu riêng lẻ, KBC cũng công bố danh sách 10 nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán riêng lẻ bao gồm: Công ty CP Quản lý quỹ SGI dự kiến mua hơn 48,9 triệu cổ phiếu; Công ty CP Chứng khoán VPBank dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu; một số quỹ thành viên của Dragon Capital dự kiến mua thêm 21 triệu cổ phiếu, Bảo hiểm Prudential Việt Nam cũng dự kiến mua thêm hơn 13 triệu cổ phiếu.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư cá nhân là ông Phạm Khánh Duy dự kiến mua 39 triệu cổ phiếu; ông Trình Bảo Duy Tân dự kiến mua 38 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Hồng Nhung và bà Nguyễn Hoàng Thanh Thanh đều đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu.
Nếu giao dịch thành công, nhóm 10 cổ đông này sẽ sở hữu 28,52% vốn điều lệ tại Kinh Bắc. Tuy nhiên, sau giao dịch cả 10 nhà đầu tư này đều không có cổ đông nào trở thành cổ đông lớn, vì vậy sau thời gian hạn chế giao dịch 1 năm, 10 nhà đầu tư này có thể bán ra cổ phiếu KBC mà không cần báo cáo.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu KBC khép lại phiên ngày 17/12 ở mức 28.200 đồng/cổ phiếu với thanh khoản hơn 1,4 triệu đơn vị.