Định vị thị trường
Số liệu PMI tháng 7 của Trung Quốc được công bố đã giảm xuống mức 49,2 điểm, không đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư thế giới. Đã có những phản ứng nhẹ từ CSI 300 (-0,41%), SHCMP (-0,02%) trong khi các chỉ số chứng khoán châu Á khác lại phân hóa. KOSPI (+1,31%), NIKKEI 225 (+0,79%) vẫn tăng điểm khá tốt trong khi VN-Index cùng một loạt các chỉ số khu vực đóng cửa giảm nhẹ.
Những vận động của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục dành được sự chú ý bởi các dữ liệu kinh tế chưa khả quan sẽ đẩy nhanh hơn các chính sách kích thích kinh tế đang được thảo luận.
Chất xúc tác
Trong khi đó, số liệu PMI tháng 7 của Việt Nam cũng chưa thực sự khởi sắc dù đã nhích lên so với tháng 6. Theo công bố từ S&P Global, PMI tháng 7 tăng 48,7 điểm từ mức 46,2 trong tháng 6. Việc vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm phản ánh tâm lý của nhà sản xuất trong nước chưa thực sự cải thiện mạnh.
Từ dữ liệu PMI, nhà đầu tư trong nước sẽ buộc có những điều chỉnh về kỳ vọng sau khi thị trường chứng khoán đã đi qua 4 tuần tăng liên tiếp.
Thanh khoản của các phiên giao dịch thường xuyên được đẩy lên trên mức 20.000 tỷ đồng trong đó phiên giao dịch hôm qua đã đạt hơn 1 tỷ USD. Kết quả của phiên hôm nay thậm chí còn vượt trội hơn nữa khi đạt tới 26.404 tỷ đồng trong đó đóng góp của khối ngoại ở 2 chiều mua/bán chưa đến 7%. Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng 252 tỷ đồng trên HOSE.
2 sàn HNX và UPCoM cũng bị bán ròng trong đó UPCoM bị bán hơn 1.300 tỷ đồng chủ yếu do giao dịch tập trung vào VNZ.
Vận động nhóm ngành
Chuỗi phiên vượt 1.200 điểm của thị trường được tóm tắt bằng những nỗ lực của VCB và sau đó là sự chuyển giao cho các cổ phiếu nhà Vingroup là VHM, VIC. Tới phiên hôm nay, VIC vẫn tăng trần trong khi VHM (-0,3%) lại chững lại hoàn toàn, còn VCB tiếp tục cầm chừng.
Tới cuối phiên ATC, VCB (-0,44%) cũng đi theo VNM (-2,56%), HPG (-2,48%), MWG (-3,72%) để kéo chỉ số đảo chiều giảm. VN-Index đóng cửa mất 0,44% xuống 1.217,56 điểm.
Với vận động của VN30 hay các cổ phiếu lớn, việc điều chỉnh sau bứt phá có thể xem là diễn biến khá bình thường. Tuy nhiên, với số đông các cổ phiếu trên thị trường, sự lỏng lẻo trong liên kết với Bluechips đã được bộc lộ từ trước.
Dù VN-Index có thể vượt 1.200 điểm nhưng vẫn luôn đi sau VN30 về biên độ tăng. Các cổ phiếu Midcap và Penny đã tỏ rõ sự kém hứng khởi bất chấp thị trường vừa đi qua ngưỡng kháng cự.
Khi lực đẩy của Bluechips yếu đi, nhà đầu tư lại nhân cơ hội bán ra hàng loạt mã. Độ rộng của sàn ghi nhận gần 60% mã giảm giá và đáng ngại là nhiều trường hợp có biên độ giảm lớn như NVL (-5,57%), CTD (-6,95%), BCG (-5,02%), DXG (-5%), NLG (-4,75%), AAA (-4,12%), SMC (-4,06%), TDC (-5,89%).
Khá nhiều mã có mức giảm trên 3% như VND (-3,85%), KHG (-3,14%), TCH (-3,67%), HSG (-3,38%), IJC (-3,38%), DRH (-3,92%), HQC (-3,43%)…
Tín hiệu thị trường có thể chưa nguy hiểm bởi thanh khoản vẫn dồi dào cùng với một số trường hợp tăng cá biệt như VCG (+6,99%), PHC (+6,9%) vẫn đi ngược lại số đông nhờ thông tin trúng thầu sân bay Long Thành. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thể sẽ cần đến những nhịp điều chỉnh để tìm điểm cân bằng mới.
Các diễn biến của HOSE đã ảnh hưởng tới 2 chỉ số còn lại. HNX-Index và UPCoM-Index lặp lại kịch bản đi ngược chiều nhau, lần lượt giảm 0,08% và tăng 0,96%. Giá trị giao dịch của HNX đạt 2.670 tỷ đồng trong UPCoM lên tới 3.439 tỷ đồng do xuất hiện các giao dịch thỏa thuận của VNZ và SGB.