Sau khi dứt khoát vượt mốc 1.200 điểm, VN-Index tiếp đà bứt phá mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tuần. Tâm điểm “bộ đôi” VIC, VHM bất ngờ tăng kịch trần đã dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Tính riêng hai cổ phiếu phiếu VIC và VHM đã đem lại cho VN-Index hơn 7 điểm, nghĩa là chiếm nửa tổng mức tăng ở chỉ số chính. Độ rộng nghiêng hẳn về bên mua với 619 mã tăng áp đảo hoàn toàn so với mã giảm.
Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index tăng 15,23 điểm, tương đương 1,26% lên mốc 1.222 điểm. Tính riêng về điểm số, đây là mức tăng lớn nhất của chỉ số trong hơn 4 tháng qua, kể từ tháng 3/2023.
Dòng tiền hưng phấn kéo thanh khoản khớp lệnh HOSE tăng gần 10% so với phiên trước lên vượt 22.400 tỷ đồng - mức cao nhất trong vòng 15 tháng qua. Mức thanh khoản đột biến này đẩy giá trị khớp lệnh bình quân trong cả tháng 7 tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp, đạt trên 16.700 tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch trên ba sàn chạm ngưỡng tỷ USD, đạt xấp xỉ 27.100 tỷ đồng.
Tiếp tục đón nhận phiên bùng nổ mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản, xu hướng tiếp theo của chỉ số sẽ như thế nào?
Rung lắc có thể xảy ra khi thị trường rơi vào trạng thái quá mua
Theo ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, động lực lớn nhất kéo chỉ số tăng vọt vẫn đến từ đà tăng phi mã của bộ đôi VHM – VIC sau khi báo kết quả kinh doanh tích cực và thông tin liên quan đến việc Vinfast niêm yết trên sàn Mỹ sắp tới.
Diễn biến của VN-Index cũng đồng pha với chứng khoán Mỹ khi Dowjones liên tục bùng nổ trước những kỳ vọng nền kinh tế và lãi suất đạt đỉnh. Về yếu tố trong nước, dòng tiền trên thị trường hiện rất khỏe và câu chuyện kỳ vọng hiện tại đang được đẩy lên cao. Trước đà tăng nóng của thị trường, nhiều nhà đầu tư cảm thấy sốt ruột và không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm nên đua nhau xuống tiền.
Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đã hồi phục được phân nửa mức giảm từ đỉnh năm 2023. Nếu nhìn ở góc độ bức tranh lớn, ông Huy cho rằng phải bao hàm những chuyển biến then chốt và kháng cự sẽ tính là một vùng nhỏ nhất định và được kiểm định không chỉ một phiên.
Trong trường hợp dòng tiền vẫn đổ vào thị trường, ngưỡng Fibonacci tiếp theo 61,8% sẽ quanh vùng 1.280-1.300 điểm. Hỗ trợ mạnh hiện tại quanh 1.130-1.140, vùng Fibonacci 38,2% trong dài hạn.
Dù sóng tăng hiện tại đã hồi khá nhiều về mặt điểm số, tuy nhiên ông Huy cho rằng xương sống của sóng tăng khá mỏng và không có những vùng tích lũy chặt.
"Câu chuyện là dòng tiền cần được duy trì, nếu không giá khả năng giá sẽ sụt nhanh vì không có vùng tích lũy chặt. Đặc biệt thị trường hiện đang quá mua, nên rung lắc có thể xảy ra", ông Bùi Văn Huy nhận định.
Dù nhận định áp lực điều chỉnh vẫn có khi nền tảng cơ bản vẫn yếu và thị trường rơi vào trạng thái quá mua, song chuyên gia DSC cho rằng điều này chưa đủ làm thay đổi xu hướng trong một thị trường hưng phấn.
Nhà đầu tư nên hành động thế nào?
Theo chuyên gia, câu chuyện thị trường hiện tại là câu chuyện của dòng tiền và đầu cơ ngắn hạn. Khi dòng tiền còn duy trì, cơ hội vẫn sẽ xuất hiện đều ở tất cả các nhóm ngành. Dù vậy, những người tham gian lướt sóng cần lưu ý, khi thị trường đã quá mua, tiền vào nhanh sẽ ra nhanh và người lướt sóng cần hiểu rõ mình cần làm gì.
Đối với người đầu tư, rõ ràng định giá hiện tại không còn hấp dẫn ở nhiều nhóm ngành. Việc chọn cổ phiếu và nhóm ngành hợp lý, có triển vọng dài hạn cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
"Nếu là nhà đầu tư, nếu dưới 900 bạn không mua thì khi mua ở 1.200 cần tự vấn rất kỹ về quyết định của mình”, ông Bùi Văn Huy khuyến nghị.
Vị chuyên gia cho rằng những nhóm ngành hưởng lợi từ sự thiếu hụt nguồn cung, từ năng lượng, nông sản, vật liệu và thực phẩm sẽ là cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. Sự thiếu hụt nguồn cung ở một số thị trường hàng hóa diễn ra bởi những lý do khác nhau. Nhiều nhóm ngành sản xuất trong nước đang và sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng này.