Theo lịch của cơ quan điều hành, ngày mai (1/11), Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 27/10 có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mặt hàng dầu lại tăng từ 3-5 USD/thùng, riêng dầu mazut tăng gần 20 USD/thùng so với kỳ điều hành trước.
Cụ thể, xăng RON 92 là 91,40 USD/thùng, xăng RON 95 là 96,01 USD/thùng, dầu hỏa 124,99 USD/thùng, dầu diezel 135,38 USD/thùng, dầu mazut 403,07 USD/tấn.
Trong khi đó, sáng 31/10, giá dầu Brent giao tháng 12 tăng 0,49 USD, tương đương 0,51%, lên mức 96,26 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,45 USD, tương đương 0,51%, lên mức 88,35 USD/thùng.
Giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 1/11 được một số đại lý dự báo tăng nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn. Trong đó, giá xăng có thể tăng từ 300 – 500 đồng/lít, giá các loại dầu cũng có thể tăng từ 200 – 300 đồng/lít.
Nếu nhận định trên chính xác, giá xăng dầu trong nước sẽ có 3 kỳ tăng giá liên tiếp.
Trước đó, tại kỳ điều hành gần nhất (ngày 21/10), cơ quan điều hành quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 200 đồng/lít lên mức 21.490 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít lên mức 22.340 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 600 đồng/lít và giá bán mới là 24.780 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng thêm 840 đồng/lít lên 23.6600 đồng/lít nhưng riêng dầu mazut giảm 200 đồng/kg xuống còn 13.890 đồng/kg.
Mới đây, giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95/2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014) về kinh doanh xăng dầu, theo hướng giao toàn diện việc quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương, bao gồm quyết định giá và chi phí định mức.
Việc này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nhằm tạo thuận lợi cho Bộ Công Thương trong nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nguồn cung xăng dầu có sự thiếu hụt. Nhu cầu xăng dầu cả nước mỗi năm khoảng 19,2 triệu tấn, sản lượng cung ứng từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đáp ứng khoảng 70%. 9 tháng qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất 4,4 triệu tấn, còn Nghi Sơn 4,3 triệu tấn - thấp hơn sản lượng công suất của các nhà máy này.
Còn nguồn nhập khẩu cả năm dự kiến 6,2 triệu tấn, chiếm 32% nhu cầu tiêu dùng trong nước và phân bổ cho 34 đầu mối. Nhưng 9 tháng mới nhập được 3,97 triệu tấn, không đạt kế hoạch. Quý 3, chỉ có 19 trong 33 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.