Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu tăng sau khi có nhiều biến động trong phiên. Đà tăng của giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm, tuy nhiên lại chịu áp lực bởi nỗi sợ về khả năng lãi suất tăng cao sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 31 cent tương đương 0,4% lên 74,34USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai tăng 30 cent tương đương 0,4% lên 69,86USD/thùng.
Trong ngày thứ Tư trước đó, cả hai loại giá dầu tăng khoảng 3% sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô Mỹ giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/6/2023, cao hơn ngưỡng 1,8 triệu thùng theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Phó chủ tịch phụ trách đầu tư tại quỹ BOK Financial, ông Dennis Kissler, nhận xét: “Nhà đầu tư hiện vẫn chia rẽ giữa quan điểm lãi suất cao với nỗi sợ suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng cao và nguồn cung dầu thô suy giảm”.
Nhà đầu tư lo ngại về lãi suất cao và tăng trưởng kinh tế sau khiChủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định về quan điểm ông tin tốc độ điều chỉnh lãi suất sẽ vừa phải hơn trong những tháng tới.
Trong tuần trước, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm mạnh nhất trong 20 tháng, thực tế này giúp người ta có được “bức tranh” tích cực về thị trường lao động.
Chủ tịch Fed tại Atlanta, ông Raphael Bostic, tái khẳng định niềm tin rằng việc lạm phát hạ nhiệt sẽ giúp ngăn ngân hàng trung ương nâng lãi suất ngắn hạn thêm lần nữa.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – bà Christine Lagarde đã khẳng định quan điểm về khả năng sẽ có liên tiếp những đợt nâng lãi suất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vào tháng 7/2023.
Rủi ro với tình hình ổn định tài chính trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) hiện vẫn ở ngưỡng cao, sự suy giảm của thị trường nhà đất có thể diễn ra trên quy mô lớn, bà nói thêm.
Lợi nhuận tại các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, vẫn tiếp tục giảm trong 5 tháng đầu của năm. Lợi nhuận doanh nghiệp giảm khi nhu cầu của người tiêu dùng đi xuống.
CEO quỹ Emori Fund Management, ông Tetsu Emori, nhận xét: “Việc triển vọng nhu cầu nhiên liệu yếu đi đã hạn chế đà tăng của giá dầu, ngay cả khi mà nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu cắt giảm sản lượng”.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng điểm khi mà cổ phiếu của loạt doanh nghiệp mới lên điểm nhờ tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và GDP được điều chỉnh tăng giúp làm giảm đi những nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 269,76 điểm tương đương 0,8% lên 34.122,42 điểm, chỉ số này tăng điểm nhờ cổ phiếu của các ngân hàng lên điểm mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng 0,45% lên 4.396,44 điểm còn chỉ số Nasdaq đóng cửa không tăng điểm ở ngưỡng 13.591,33 điểm.
Cổ phiếu JP Morgan Chase và Goldman Sachs đều tăng hơn 3% còn cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo tăng 4,5%. Diễn biến của cổ phiếu ngân hàng như vậy xảy ra một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ công bố 23 tổ chức tài chính tham gia trong đợt kiểm tra vừa qua đều có đủ tiềm lực vốn để có thể chống chọi với suy thoái kinh tế.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp trong ngành tài chính Mỹ trước đây chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khi cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng trở nên tồi tệ hơn, trong đó phải kể đến vụ việc tiêu cực của ngân hàng Charles Schwab, Western Alliance và Zions Bancorporation.