Giá dầu tăng hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư nhờ thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh hơn so với kỳ vọng đến tuần thứ 2 liên tiếp.
Sự quan tâm của nhà đầu tư với việc dự trữ dầu giảm lớn hơn so với nỗi lo về khả năng các đợt nâng lãi suất sẽ hãm lại tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,77USD/thùng tương đương 2,5% lên 74,03USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,86USD/thùng tương đương 2,8% lên 69,56USD/thùng.
Ngưỡng đóng cửa ở phiên hôm qua là cao nhất với dầu WTI tính từ ngày 21/6/2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô Mỹ giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/6/2023, cao hơn mức dự báo hạ 1,8 triệu thùng theo tính toán của các chuyên gia phân tích, và cũng cao hơn so với con số giảm 2,8 triệu thùng cùng kỳ năm trước. Đồng thời nó cũng cao hơn mức giảm trung bình hàng tuần trong suốt khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022.
“Nhìn chung, các số liệu công bố cho thấy thị trường trước đó đã bị dư cung quá nhiều. Báo cáo mới nhất về thị trường năng lượng có thể đẩy giá dầu tăng lên cao hơn nữa”, chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures Group – ông Phil Flynn nói.
Nhà đầu tư hiện vẫn thận trọng về khả năng thêm các đợt nâng lãi suất sẽ có thể hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Người đứng đầu các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới tái xác nhận rằng sẽ cần đến các đợt siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới để kiềm chế lạm phát, tuy nhiên họ tin họ có thể làm được điều đó mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Ông Powell tuy nhiên không loại bỏ khả năng sẽ có thêm những đợt điều chỉnh lãi suất theo hướng siết chặt, cùng lúc đó, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – bà Christine Lagarde xác nhận cho kỳ vọng rằng ECB sẽ nâng lãi suất trong tháng 7/2023 và khẳng định động thái đó hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tin rằng nguồn cung dầu sẽ có những hạn chế trong nửa sau năm 2023 do các đợt cắt giảm lãi suất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh như Nga, vốn được biết đến với cái tên OPEC+ cũng như đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia vào tháng 7/2023.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp trong 5 tháng đầu năm ghi nhận mức hạ đến 2 con số, nhu cầu của người tiêu dùng giảm không khỏi gây tổn hại đến lợi nhuận biên của các doanh nghiệp. Các diễn biến mới này củng cố cho niềm hy vọng vào khả năng sẽ có chính sách kích cầu trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Trái ngược với phiên tăng trên thị trường năng lượng là phiên sụt giảm của thị trường vàng.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng bởi những kỳ vọng vào khả năng lãi suất sẽ duy trì ở ngưỡng thấp trong thời gian dài hơn. Trong khi đó chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn khẳng định về quan điểm chính sách tiền tệ cứng rắn của mình.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên thị trường New York hạ 0,21% xuống 1.909,3USD/ounce. Trước đó, giá vàng từng có lúc hạ xuống mức thấp nhất tính từ giữa tháng 3/2023. Giá vàng giao hợp đồng tương lai trên thị trường New York hạ 0,1% xuống 1.922,2USD/ounce.
Ông Powell tái khẳng định rằng sẽ cần thêm các đợt nâng lãi suất của ngân hàng trung ương, đồng thời không loại bỏ việc nâng lãi suất cho vay trong cuộc họp chính sách được lên lịch vào cuối tháng 7/2023.
“Dù rằng thị trường đang dự báo về khả năng Fed sẽ nâng lãi suất trong tháng 7/2023, yếu tố quan trọng hơn ảnh hưởng đến giá vàng chính là thị trường không ngừng dự đoán về số lần hạ lãi suất mà thị trường sẽ có trong năm tới”, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty chứng khoáng TD Securities – ông Daniel Ghali phân tích.