Fed có cần phải mạnh tay hơn nữa trong chính sách lãi suất?

Dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường đặt câu hỏi về việc liệu Fed có nên đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa hay không?

Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến được đưa ra trong cuộc họp vào lúc 2 giờ 30 phút chiều ngày 15/6 tới theo giờ địa phương.

Tại cuộc họp này, Fed được cho là sẽ tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, dữ liệu lạm phát cao kỷ lục trong tháng 5/2022 đã khiến thị trường đặt câu hỏi về việc liệu các nhà hoạch định chính sách có nên đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa hay không?

Fed có nên mạnh tay hơn nữa?

Giới quan sát cho rằng giờ đây bất cứ điều gì Chủ tịch Jerome Powell chia sẻ về quan điểm lãi suất vào mùa Hè và mùa Thu tới cũng có thể mang đến những manh mối liên quan đến hướng đi của các thị trường tài chính.

Thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã trải qua nhiều biến động do giới đầu tư lo ngại rằng lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng cao và việc nâng lãi suất sẽ dẫn tới tình trạng suy thoái.

Michael Schumacher, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô tại Wells Fargo, cho biết: “Tôi nghĩ điều quan trọng là ông Powell nói gì trong Hội nghị và liệu ông ấy có đưa ra bất cứ manh mối gì cho cuộc họp vào tháng Chín hay không?”.

Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi nền kinh tế nước này đón nhận thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2022 cao hơn nhiều so với dự báo. Trong tuần vừa qua, chỉ số S&P 500 đã giảm 5,1%. Phiên ngày 10/6, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 3.900 điểm, giảm 2,9%.

Lori Calvasina, người đứng đầu mảng chiến lược cổ phiếu Mỹ tại RBC Capital Markets, cho biết: “Thị trường muốn một số manh mối rõ ràng và thuyết phục về việc Fed sẽ giải quyết được tình trạng lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái”. Chiến lược gia này cho biết các dữ liệu kinh tế sẽ phát tín hiệu đến thị trường.

Báo cáo lạm phát được công bố hôm 10/6 là một “chất xúc tác” tiêu cực đối với các thị trường, vốn đã chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi nỗi lo lạm phát và suy thoái. Chỉ số CPI tại Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 8,3% mà các chuyên gia kinh tế ước tính trước đó.

Điều này đã một lần nữa củng cố quyết định tăng lãi suất của Fed, và làm dấy lên những đồn đoán về việc lần này, liệu thể chế có cân nhắc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và sau đó là những lần tăng khác với tốc độ nhanh hơn không?

Quảng cáo

Hai tổ chức tài chính Barclays và Jefferies hôm 10/6 đều đã thay đổi dự báo, cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm) vào tuần tới, mặc dù các nhà kinh tế khác vẫn kỳ vọng mức tăng sẽ chỉ là 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm).

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Goldman Sachs hôm 10/6 cũng điều chỉnh dự báo với mức tăng sẽ là 0,5 điểm phần trăm vào tuần tới, bên cạnh mức tăng tương tự vào tháng Bảy và tháng Chín.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia kinh tế của JP Morgan kỳ vọng dự báo lãi suất mới nhất của Fed sẽ phản ánh tốc độ thắt chặt chính sách nhanh hơn và thậm chí, dự báo lãi suất cho vay trung bình của Fed sẽ ở mức 2,625% vào cuối năm, cao hơn nhiều so với mức dự báo 1,875% hồi tháng Ba.

Tuy nhiên, những chuyên gia này cho rằng mức tăng vẫn sẽ chỉ là 0,5 điểm phần trăm vào hôm 15/6 tới.

Kinh tế Mỹ có suy thoái?

Chuyên gia Calvasina của RBC cho biết, bà đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Powell và không mong đợi bất kỳ điều bất ngờ nào từ cuộc họp sắp tới. Theo bà, một số quan chức Fed dường như đã sẵn sàng với lộ trình tăng lãi suất nhanh hơn trong giai đoạn đầu năm và sau đó sẽ là sự linh hoạt tuỳ chỉnh.

Chuyên gia này cho rằng đây có lẽ là giải pháp thích hợp nhất đối với thị trường, cho thấy Fed không sẵn sàng sử dụng chế độ “lái tự động” có thể gây thiệt hại quá nhiều cho nền kinh tế.

Bên cạnh cuộc họp của Fed, kinh tế Mỹ sẽ đón nhận thêm nhiều báo cáo quan trọng vào tuần tới, điển hình là báo cáo về chỉ số giá sản xuất, báo cáo bán lẻ, báo cáo thị trường nhà ở và báo cáo sản xuất công nghiệp. Tất cả bốn báo cáo này đều phản ánh các hoạt động trong tháng 5/2022.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng sau khi số liệu mới nhất về lạm phát được công bố. Tuy nhiên, đường cong lợi suất lại đi ngang. Điều này có nghĩa là lợi suất trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn, ví dụ là 2 năm, sẽ tiến gần về mức lợi suất trái phiếu có kỳ hạn dài hơn, ví dụ là 10 năm.

Hôm 10/6, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm đạt 3,06% và mức chênh lệch so với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chỉ là 10 điểm cơ bản. Nếu con số này bị đảo ngược (tức là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm), thì đó là một tín hiệu của suy thoái.

Chuyên gia Calvasina cho biết, thị trường chứng khoán đang được định giá theo hướng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái nhẹ. Chỉ số S&P 500 từng giảm trung bình 32% trong các cuộc suy thoái trước đây, nhưng mới chỉ giảm gần 20% trong chu kỳ này.

Vị chiến lược gia này cho biết, 60% khả năng thị trường đã chạm đáy: “Tôi nghĩ rằng mức định giá hiện nay đã đủ hợp lý để nhà đầu tư đưa vào danh sách mua những cái tên mà họ muốn”.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu tạm thời của Trung Quốc, thấp hơn mức thuế suất tối huệ quốc, sẽ được áp dụng cho 935 mặt hàng, trong khuôn khổ kế hoạch điều chỉnh thuế quan hằng năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán xe điện sắp vượt xe xăng, Trung Quốc trở thành thị trường nóng nhất Trung Quốc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nigeria

Giới siêu giàu Hàn Quốc lựa chọn đầu tư an toàn hơn vào năm 2025

Một báo cáo công bố ngày 22/12 cho hay, giới siêu giàu Hàn Quốc, chiếm chưa đến 1% dân số nước này, đang lựa chọn các lựa chọn đầu tư rủi ro thấp vào năm tới do tình hình kinh tế không chắc chắn.

Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc lập kỷ lục mới Chứng khoán Seoul trượt dốc do căng thẳng chính trị tại Hàn Quốc