Báo cáo Thị trường IPO Đông Nam Á vừa được Deloitte công bố cho biết, trong năm 2022, thị trường IPO ở Khu vực Đông Nam Á chứng kiến 163 thương vụ IPO, tăng 7% so với 152 đợt IPO vào năm 2021. Tổng số vốn huy động lên đến 7,6 tỷ USD, đạt giá trị vốn hoá tại ngày IPO là 56,1 tỷ USD. Mặc dù vốn huy động đã giảm 43% nhưng giá trị vốn hóa thị trường lại tăng 10,3% so với năm trước.
Riêng tại Việt Nam, thị trường IPO chứng kiến 8 đợt chào bán thành công vào năm 2022. Mặc dù con số này thấp hơn so với 13 đợt chào bán được ghi nhận cho năm 2021, nhưng số tiền huy động được đã tăng hơn gấp bốn lần, từ 15,6 triệu USD lên 71,4 triệu USD.
Nguồn: Deloitte
Nửa đầu năm, thị trường vốn khởi động với 6 đợt IPO thành công, huy động được 65 triệu USD, tiếp nối những diễn biến sôi động của thị trường trong nửa cuối năm 2021. Trong giai đoạn này, thị trường Việt Nam chứng kiến 2 thương vụ IPO thành công huy động được hơn 20 triệu USD mỗi công ty, từ Tôn Đông Á và Nova Consumer.
Thị trường có dấu hiệu chậm lại trong nửa cuối năm, do những bất ổn toàn cầu về lạm phát và khả năng suy thoái ngày càng tăng. Tại Việt Nam, xu hướng này bị chi phối bởi giá nhiên liệu leo thang, lãi suất tăng, thị trường vốn thắt chặt và các vụ bê bối tài chính gần đây.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Văn Trịnh - Phó Lãnh đạo phụ trách Tư vấn Sự kiện đột phá, Deloitte Việt Nam, trọng tâm của thị trường IPO đã chuyển từ Bất động sản vào năm 2021 sang Sản phẩm công nghiệp và Hàng tiêu dùng vào năm 2022. Ngành hàng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, với những thương vụ IPO sắp tới.
Với những bất ổn hiện tại, các nhà đầu tư cũng như các công ty đang khá thận trọng trong việc xác định thời điểm gia nhập thị trường. Các cơ quan quản lý của Việt Nam đã thi hành nhiều chủ trương tích cực nhằm nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính, ví dụ như áp dụng các quy định khuyến khích tính minh bạch, hiệu quả và uy tín trong quy trình chào bán, đồng thời đề xuất thúc đẩy việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).
Trong khi đó, Thái Lan và Indonesia dẫn đầu Đông Nam Á trong năm 2022; mỗi quốc gia huy động được trên 2 tỷ USD, chiếm tổng cộng 78% tổng số tiền huy động được cho cả khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, Thái Lan có 42 thương vụ chào bán vào năm 2022, vượt con số 41 thương vụ chào bán vào năm 2021. Sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) đã huy động được 3,6 tỷ USD trong năm 2022, gấp 50 lần so với tổng số vốn sàn chứng khoán Việt Nam huy động được. Điểm sáng của thị trường chứng khoán Thái Lan vào năm 2022 là thương vụ chào bán với giá trị cao của Thai Life Insurance Public Company Limited, chiếm vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng khu vực năm 2022 với số vốn huy động được là 1 tỷ USD.
Tương quan vốn gọi qua IPO tại các quốc gia Đông Nam Á
Với Indonesia, thị trường IPO đã xuất hiện một thương vụ chào bán “bom tấn” đến từ PT GoTo Gojek Tokopedia Tbk, với số vốn huy động được lên tới 1,1 tỷ USD, tiếp theo là PT Global Digital Niaga Tbk (còn được gọi là “BliBli”) huy động được 508 triệu USD. Indonesia đứng thứ hai trên toàn Đông Nam Á với 59 doanh nghiệp chào bán vào năm 2022, tăng 9% so với năm trước. Thị trường IPO này đã huy động được 2,4 tỷ USD, giảm 48% so với năm 2021, gấp 33,6 lần Việt Nam. Số liệu vốn hóa thị trường đã tăng lên mức kỷ lục 37 tỷ USD, cao hơn 60% so với năm trước.
Tại Malaysia, vốn gọi qua IPO tăng trưởng 138% trong năm 2022.
Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) huy động được tổng cộng 428 triệu USD từ 11 thương vụ IPO, bao gồm 3 đợt IPO SPAC trên sàn chính với số tiền huy động được là 389 triệu USD và 8 giao dịch trên sàn Catalist huy động được 39 triệu USD. Trong năm 2021, sàn giao dịch này đã huy động được 1,2 tỷ USD từ 8 thương vụ IPO.