Doanh nghiệp có phải công khai quy chế thưởng Tết?

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và dù là thưởng Tết hay thưởng nói chung thì doanh nghiệp đều phải công bố công khai tại nơi làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo đó, doanh nghiệp được quyền quyết định quy chế thưởng sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Dù là thưởng Tết hay thưởng nói chung thì doanh nghiệp đều phải công bố công khai tại nơi làm việc để cho người lao động được biết.

Trường hợp không công khai quy chế thưởng theo đúng quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế thưởng.

Theo đó, nếu vi phạm, người sử dụng lao động là cá nhân sẽ bị phạt cao nhất đến 10 triệu đồng, còn người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi lên đến 20 triệu đồng.

Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Với quy định trên, thưởng nói chung và thưởng Tết nói riêng sẽ được quyết định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng không quy định mức thưởng Tết cụ thể nên việc thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít sẽ do doanh nghiệp chủ động trên nguồn tài chính của mình.

Nếu trong năm, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận, người lao động hoàn thành công việc được giao và thỏa mãn điều kiện thưởng Tết theo quy chế thưởng thì doanh nghiệp sẽ phải thưởng Tết cho người lao động theo quy định. Tùy tình hình tài chính mà doanh nghiệp có thể thưởng nhiều hoặc chỉ thưởng ít cho nhân viên.

Ngược lại, nếu kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nguồn tài chính hạn hẹp thì doanh nghiệp không có nghĩa vụ bắt buộc phải thưởng Tết cho người lao động.

Mới đây, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ 54.202 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành phố cho thấy mức thưởng Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm trước.

Mức thưởng cao nhất dịp Tết Dương lịch năm 2023 là 606,2 triệu đồng ở TP.HCM. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Bắc Ninh là 257 triệu đồng, tại Ninh Thuận là 218 triệu đồng, tại Bến Tre là 323,12 triệu đồng...

Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 là 1,004 tỷ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở thành phố Đà Nẵng.

Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Tại Hà Nội là 400 triệu đồng; tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 535,71 triệu đồng, tại TP.HCM là 759,9 triệu đồng...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE