Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng Điều 190 quy định hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 1/4 tới và giao Chính phủ xây dựng văn bản hướng dẫn.
Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước đây, đặc biệt là cơ sở pháp lý để ban hành Nghị định quy định lấn biển đã cơ bản đã được xử lý, làm rõ trong Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề có ý kiến khác nhau về thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt Giấy chứng nhận).
Do đó, tại dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng đất trong hoạt động lấn biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 2 phương án.
Phương án 1, đối với phần diện tích đất nằm trong đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm thì sau khi nhà đầu tư dự án lấn biển hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với phần diện tích lấn biển, việc cấp Giấy chứng nhận được thực hiện sau khi nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đã hoàn thành việc lấn biển theo tiến độ của dự án đầu tư và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy định. Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Phương án 2, nhà đầu tư dự án lấn biển được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành xây dựng toàn bộ hoặc từng phần công trình lấn biển.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quy định này nhằm mục đích bảo đảm nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển theo đúng tiến độ và quy hoạch; tránh trường hợp nhà đầu tư sau khi được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận chưa thực hiện lấn biển mà đem quyền sử dụng đất đi thế chấp tại các ngân hàng mà không thực hiện lấn biển theo tiến độ hoặc không lấn biển.
Theo phương án 2, nhà đầu tư dự án lấn biển có thể đề nghị được cấp Giấy chứng nhận sau khi hoàn thành xây dựng toàn bộ công trình lấn biển hoặc từng phần công trình lấn biển theo quy hoạch sau khi có thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.
Dự thảo nêu rõ, việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai (không bao gồm chi phí lấn biển).
Trường hợp xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất trong thời hạn 180 ngày kể từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất.
Chi phí lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán được ngân sách nhà nước hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp. Mức được trừ không vượt quá tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp; số tiền còn lại (nếu có) được tính vào chi phí của dự án.