Kết quả tăng trưởng GDP năm 2024 và những quyết tâm từ Đảng, Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đã đem lại những kỳ vọng và sự hứng khởi cho giới đầu tư về một năm 2025 thành công hơn.
Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% vào ngày 12/11/2024, sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm nay, thậm chí tăng trưởng 2 chữ số và cam kết Chính phủ sẽ thực hiện các hành động quyết liệt để đảm bảo Việt Nam đạt được mục tiêu này.
Thứ tự ưu tiên: cổ phiếu, bất động sản đến trái phiếu và vàng
Tại Hội nghị Nhà đầu tư 2025 diễn ra vào giữa tháng 1/2025 do Dragon Capital tổ chức, chuyên gia Dragon Capital đã công bố bảng đánh giá hiệu suất của các kênh đầu tư, trong đó, cổ phiếu và bất động sản được đánh giá ở thang điểm cao nhất với mức 3,5-4 điểm trên thang đo 5 điểm. Trong khi vàng được xếp ở mức thấp nhất, chỉ đạt 2-2,5 điểm trên thang đo 5 điểm, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhờ lợi suất hấp dẫn với mức điểm 3/5.
Cụ thể, Dragon Capital nhận định thị trường chứng khoán có thể chịu tác động ngắn hạn từ các yếu tố như vĩ mô toàn cầu và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, về trung hạn, cổ phiếu vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ sự đồng hành giữa hiệu suất thị trường và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu thuộc các ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách hỗ trợ, như công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, thép và công nghiệp.
Ngoài ra, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của Dragon Capital cho rằng bất động sản cũng có hiệu suất đầu tư tương đương cổ phiếu khi nhìn vào dài hạn. Với sự phục hồi rõ rệt, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và các nỗ lực tháo gỡ pháp lý được Chính phủ đẩy mạnh, thị trường địa ốc đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Các khu vực ít được chú ý trước đây cũng mang lại cơ hội hiệu suất cao hơn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý rằng rủi ro nằm ở việc các dự án mới khó đạt lợi nhuận trung hạn do nền giá mở bán ban đầu cao.
Với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhờ lợi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, Dragon Capital cảnh báo rằng rủi ro về an toàn và thanh khoản vẫn là yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn trái phiếu.
Với kênh đầu tư vàng, theo chuyên gia Dragon Capital, giá vàng thường có biến động khó dự đoán và hiệu suất thực tế không cao như kỳ vọng. Hơn nữa, trong vai trò đầu cơ, vàng chịu sự giám sát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm ổn định tỷ giá và kiểm soát thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang tổng kết và đánh giá Nghị định 24, với mục tiêu quản lý hiệu quả thị trường vàng đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch và tích trữ.
Bên cạnh đó, dự báo mới nhất từ Goldman Sachs cho thấy mục tiêu giá vàng 3.000 USD/ounce, từng kỳ vọng đạt vào cuối năm nay, đã được dời sang giữa năm 2026. Theo Goldman Sachs, việc FED giảm tốc độ cắt giảm lãi suất có thể khiến nhu cầu đầu tư vào vàng của các quỹ ETF suy giảm.
Ông Lê Anh Tuấn chia sẻ rằng, ông chỉ giữ 2% danh mục đầu tư vào vàng, vì đây không phải kênh mang lại hiệu suất vượt trội trong dài hạn. Dữ liệu từ 2001-2022 của Dragon Capital cho thấy, vàng chỉ đạt mức tỷ suất sinh lời trung bình 9%/năm, kém thứ 2 sau ngoại tệ. Ông Tuấn nhấn mạnh rằng, trong khung thời gian dài hạn từ 10, 20 hay thậm chí 50 năm, vàng không thể cạnh tranh với các kênh đầu tư như cổ phiếu hoặc bất động sản.
Hơn nữa, đầu tư vàng chủ yếu dựa vào lãi vốn (capital gain) từ chênh lệch giá mua và giá bán, trong khi không tạo ra dòng tiền lãi ổn định. Tại nhiều thời điểm, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với thị trường quốc tế, khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi tham gia thị trường này.
Cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, bất động sản sẽ thế nào trong năm 2025?
Cổ phiếu ngân hàng đã tăng 22% trong năm 2024, vượt trội so với chỉ số VN-Index (12,1%), đà tăng của cổ phiếu ngân hàng được hỗ trợ bởi lợi nhuận phục hồi, đặc biệt trong nửa đầu năm 2024 khi NIM được cải thiện. Những cổ phiếu có hiệu suất đầu tư cao bao gồm LPB (+132%), TCB (+60%), HDB (+57%), CTG (+39%) và MBB (+38%).
Dự báo về năm 2025, chuyên gia SSI Research cho biết, SSI Research giữ quan điểm tích cực về ngành ngân hàng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 17,4% so với cùng kỳ trong năm 2025 cho các ngân hàng được SSI Research nghiên cứu nhờ tăng trưởng tín dụng phục hồi và đạt 15,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, NIM được dự báo sẽ duy trì mức ổn định so với cùng kỳ, ở mức 3,48% nhưng sẽ có sự khác biệt giữa ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần. Nợ xấu cũng sẽ biến động trong nửa đầu nằm 2025 trước khi dần cải thiện xuống còn 1,78% nửa cuối năm.
“Trong giai đoạn đầu của sự phục hồi kinh tế, chúng tôi ưa thích các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn. Điều này sẽ giúp bảo toàn NIM và có thể giành thêm thị phần khi nhu cầu tín dụng tiếp đà hồi phục. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ sẽ giúp giảm áp lực dự phòng, như VCB, CTG và ACB.
Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường bất động sản, tập trung vào các dự án có tình trạng pháp lý lành mạnh, sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TCB”, chuyên gia SSI Research nêu quan điểm.
Cổ phiếu công nghệ và viễn thông đã tăng 140% trong năm 2024. FPT tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu về kết quả doanh thu, lợi nhuận và đà tăng trưởng này dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2025. Tương tự, đối với Viettel Global (VGI), công ty tiếp tục có sự tăng trưởng từ thị trường nước ngoài (bao gồm Mozambique, Haiti, Timor-Leste, Campuchia, Burundi và Tanzania), đây là động lực tăng trưởng chính cho doanh thu và biên lợi nhuận trước thuế.
Nhận định về đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ FPT, Viettel, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở Mirae Asset cho rằng, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mức định giá cao hơn trung bình trong nhiều năm qua, dựa trên tiềm năng tăng trưởng bền vững trong tương lai.
"Các dự án chiến lược như hợp tác với Nvidia phát triển công nghệ AI, mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu và triển khai mạng 5G đang mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho cả nhóm Viettel và FPT, khiến dòng tiền tiếp tục đổ vào nhóm cổ phiếu này. Sự kết hợp của xu hướng toàn cầu đi cùng kết quả kinh doanh khả quan và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ đã tạo nên cơn sóng tăng giá bền vững cho nhóm cổ phiếu họ "Viettel-FPT" trong năm qua", chuyên gia Mirae Asset nhận định.
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia kỳ vọng thị trường có sự hồi phục trên diện rộng nhờ được tháo gỡ pháp lý. Công việc khó khăn hiện tại vẫn là việc xử lý các dự án tồn đọng đã gặp vướng mặc và bị đình trệ trong giai đoạn trước. Vào tháng 11/2022, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã được thành lập để tháo gỡ cho các dự án này.
Những động thái tháo gỡ pháp lý đang rất tích cực, tuy nhiên thời gian để xử lý các dự án vẫn sẽ còn phải kéo dài. Giới chuyên gia kỳ vọng giai đoạn nửa cuối năm 2025 sẽ là giai đoạn mà các biện pháp tháo gỡ pháp lý sẽ bắt đầu có tác dụng và thẩm thấu vào thị trường bất động sản.
Chuyên gia Công ty Chứng khoán FPTS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu bất động sản trong năm 2025. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi là tiến độ tháo gỡ pháp lý và tình hình mở bán các dự án của các doanh nghiệp.
Đồng thời, theo nhóm chuyên gia, định giá P/B của nhóm cổ phiếu này thấp nhưng chưa đủ hấp dẫn. “Định giá P/B toàn ngành hiện tại là 0,97x, thấp hơn 33% so với mức trung bình giai đoạn 2010 – 2024.
Tuy nhiên, khi loại bỏ 2 doanh nghiệp là VHM (0,87x) và NVL (0,54x) thì P/B của các doanh nghiệp còn lại đang ở mức 1,11x, chỉ thấp hơn 8% mức P/B trung bình trong cùng giai đoạn. Chúng tôi cho rằng mức định giá trên chưa đủ hấp dẫn để bù đắp cho những yếu tố bất định về pháp lý và thị trường trong năm 2025”, báo cáo của FPTS nêu.
Phân tích về nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu VPBankS Research cho biết, sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp với xu hướng phục hồi từ từ vững chắc. Yếu tố hỗ trợ hấp thụ nguồn cung là lãi suất thế chấp phá đáy, tín dụng tiêu dùng phục hồi.