Báo cáo mới công bố của Công ty phân tích & tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI cho biết, người tiêu dùng chi 87.370 tỷ đồng mua sắm trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành lớn nhất Việt Nam quý II/2024 gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki, tăng 10,4% so với quý I.
Trong đó, tổng giao dịch (GMV) của Shopee đạt 62.380 tỷ đồng, chiếm 71,4% thị phần. Xếp thứ hai tiếp tục là TikTok Shop với 19.240 tỷ đồng, tương đương 22%.
Như vậy, tính chung, hai sàn này nắm đến 93,4% thị phần GMV, tăng so với mức 91,25% hồi quý I/2024. Trong đó, chỉ Shopee mở rộng thị phần quý vừa qua, 3 sàn còn lại đều thu hẹp. Lazada và Tiki chỉ còn chiếm lần lượt 5,9% và 0,7%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tổng giao dịch của Shopee lên đến 116.120 tỷ đồng, chiếm 69,7% trong khi Tiktok là 37.600 tỷ đồng, chiếm 22,6%. Với diễn biến này, thị trường bán lẻ trực tuyến hiện chỉ là "cuộc đua song mã" giữa Shopee và TikTok Shop.
Quý II/2024, Shopee tăng cường đầu tư cho các hoạt động livestream đa dạng hình thức, liên kết với nhiều KOL đình đám, tạo ra đối trọng với các hoạt động Shoppertainment vốn là thế mạnh của TikTok Shop. Trong khi đó, TikTok Shop tạo dấu ấn với chuỗi sự kiện mừng “Sinh Nhật Vui Sắm” kéo dài suốt hai tháng 5 và 6. Đặc biệt trên truyền thông cũng ghi nhận liên tục nhiều phiên livestream triệu đô trên nền tảng TikTok Shop.
TikTok Shop vẫn chưa theo kịp Shopee vì phụ thuộc lớn vào nhóm ngành thời trang và phụ kiện - chiếm 37,5% trên tổng GMV, trong khi Shopee chỉ 24%. Sau khi người tiêu dùng mua sắm nhiều mặt hàng này dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đã giảm trong quý II khiến TikTok Shop ảnh hưởng hơn.
Về giá trị giao dịch trung bình trên từng sản phẩm, theo báo cáo của YouNet ECI, tính trung bình mỗi sản phẩm tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử quý II/2024 có giá trị 117.262 đồng, tăng 7% so với quý trước. Trong đó, ngoại trừ Tiki, cả 3 sàn còn lại đều tăng so với quý trước.
Cả 4 sàn thương mại điện tử trong quý đều ghi nhận số lượng nhà bán có doanh thu giảm với tổng số lượng giảm 26.000 so với quý I, thị trường ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc, tập trung.
Mặc dù vấp phải một số phản hồi không tích cực từ nhà bán hàng, Shopee vẫn theo đuổi chiến lược chiều chuộng người mua để giữ chân họ. Sau khi cho phép khách hàng trả sản phẩm trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận hồi tháng 3, sàn này thử nghiệm cho khách hủy đơn ngay cả khi đang vận chuyển vào giữa tháng 6.
Trong quý II/2024, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.
Sea Limited, công ty mẹ của Shopee đã ghi nhận năm có lãi đầu tiên – năm 2023, sau khi thua lỗ triền miên với tổng lỗ lên tới nhiều tỷ USD kể từ ngày thành lập vào năm 2009.
Cụ thể, năm 2023, Sea lãi ròng 162,7 triệu USD, so với khoản lỗ ròng 1,7 tỷ USD trong năm 2022. Tuy nhiên trong quý IV/2023, công ty lỗ ròng 111,6 triệu USD so với mức lãi ròng 422,8 triệu USD cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi đã đạt được lợi nhuận trong năm 2023, củng cố vị thế dẫn dầu thị trường ở mảng kinh doanh thương mại điện tử, tiếp tục phát triển mảng dịch vụ tài chính số và ổn định kết quả hoạt động ở mảng giải trí số”, Chủ tịch kiêm CEO của Sea cho biết sau khi công ty công bố báo cáo tài chính.
Mới đây, Lazada, đơn vị thương mại điện tử Đông Nam Á thuộc Tập đoàn Alibaba cũng cho biết, đã có lãi vào tháng trước (tháng 7/2024).
Tổng Giám đốc điều hành James Dong cho biết trong một cuộc họp nội bộ rằng Ebitda (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) của Lazada lần đầu tiên chuyển dương vào tháng 7. Sự thay đổi minh chứng cho độ hiệu quả của chiến lược kinh doanh Lazada và đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư tích cực vào Đông Nam Á.
Lazada có trụ sở tại Singapore, hoạt động tại 6 thị trường Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam) và hiện đặt mục tiêu phục vụ 300 triệu khách hàng vào năm 2030. Công ty cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Sea, Amazon và TikTok Shop kể từ khi thành lập vào năm 2012.