Là một trong các công ty chứng khoán đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng khá tốt trong năm nay, tuy nhiên với việc đầu tư vào một số trái phiếu doanh nghiệp, mảng vốn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về việc "kẹt" đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại đại hội tổ chức ngày 6/4.
Đề cập về vấn đề này, Chủ tịch VDSC ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, trái phiếu doanh nghiệp là chủ đề lớn trong năm 2022. Trước đây, với điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ khá thông thoáng nên trái phiếu trở thành kênh bổ sung khá tốt nguồn vốn hoạt động trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản. Giai đoạn 2018-2021 thị trường TPDN phát triển mạnh, tổng giá trị phát hành lên đến khoảng 1,4 triệu tỷ đồng nhưng với sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, thị trường này rơi vào khó khăn.
“Trong hoạt động ngân hàng đầu tư, Rồng Việt có thực hiện tư vấn, đại diện sở hữu trái chủ, thu xếp vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp. Rồng Việt khẳng định, trong các hoạt động này đều được công ty thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định”, Chủ tịch VDSC nói.
Ông Tuấn cho biết, tại thời điểm cuối năm 2022, Rồng Việt có khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp niêm yết Masan giá trị 8 tỷ đồng không rủi ro gì; khoản đầu tư 65 tỷ đồng trái phiếu Hưng Thịnh Incons;170 tỷ đồng trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn; và 230 tỷ đồng vào trái phiếu ngân hàng VCB, không có rủi ro.
Với 2 khoản trái phiếu vào 2 công ty thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Tuấn khẳng định có tài sản đảm bảo được làm chặt chẽ. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu khó khăn, quy định điều kiện phát hành siết chặt, phát hành mới không được mà phải thu lại, nên công ty cũng chia sẻ với các tổ chức phát hành.
“Với trái phiếu Hưng Thịnh Quy Nhơn còn hơn 1 năm nữa mới đến thời gian đáo hạn. Doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, tài sản đảm bảo là bất động sản tại dự án Hải Giang MerryLand. Dự án này ở khu shophouse đã tổ chức kinh doanh xong. Về lâu dài, Chính phủ ban hành Nghị định 110 cho phép cấp sổ đỏ, sổ hồng cho các Shophouse, condotel, biệt thự biển… hy vọng gỡ khó được cho các doanh nghiệp nghỉ dưỡng. Rồng Việt tin rằng, sẽ thu hồi được đầy đủ lô trái phiếu này.
Với trái phiếu Hưng Thịnh Incons, trong lúc thị trường khó khăn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục trao đổi, đưa giải pháp cho các trái chủ, thu xếp thanh toán từng phần và giãn tiến độ thanh toán nợ gốc. Bên cạnh đó, Rồng Việt cũng thu xếp cho một số khách hàng đầu tư, tài sản đảm bảo giữ nguyên, cuối năm 2022 Hưng Thịnh Incons đã trả được 30%, có lộ trình trả nợ gốc từng tháng, lãi từng quý và đang thực hiện lộ trình này khá tốt”, Chủ tịch VDSC thông tin.
Dự báo VN-Index lên vùng 1.270 điểm, mục tiêu xóa lỗ để thoát diện kiểm soát
Với nhận định VN-Index sẽ dao động trong khoảng 930 - 1.270 điểm cùng thanh khoản bình quân toàn thị trường từ 13.000 – 15.000 tỷ đồng/phiên, Rồng Việt lên kế hoạch doanh thu hơn 890 tỷ, lợi nhuận trước thuế 270 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 5%/mệnh giá.
Kết thúc quý 1/2023, trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt 11.337 tỷ đồng/phiên, sụt giảm 63,7% so với quý 1/2022, ảnh hưởng đến toàn bộ các mảng hoạt động kinh doanh của Rồng Việt. Mặc dù vậy, với việc VN-Index hồi phục 5,71% so với đầu năm, hoạt động đầu tư của Rồng Việt có sự hồi phục tích cực.
Lợi nhuận trước thuế quý 1 ghi nhận hơn 77 tỷ đồng, hoàn thành 27,8% kế hoạch kinh doanh năm 2023. Tính đến ngày 31/3, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty đã trở lại giá trị dương, xóa hết lỗ lũy kế.
Cơ cấu doanh thu gồm môi giới và cho vay margin chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 112 tỷ đồng. Các mảng khác đều có lãi, ngoài quản lý tài sản (qua công ty quản lý quỹ do quy mô khiêm tốn, nên lỗ nhẹ vài trăm triệu).
Theo ông Nguyễn Miên Tuấn, kết quả quý 1 của Rồng Việt khá tích cực, cho thấy công ty đã vượt qua được khó khăn và có lãi trở lại, hết lỗ luỹ kế. Công ty tiếp tục nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả trong 6 tháng đầu năm, để cổ phiếu thoát khỏi diện kiểm soát để được cấp margin.
VDSC là một trong số các công ty chứng khoán đưa ra mục tiêu kinh doanh tăng trưởng trong năm 2023. Trong nhóm đưa ra bức tranh sáng sủa còn có MBS với dự kiến lợi nhuận năm 2023 đạt 900 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2022. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, đây sẽ là mức lợi nhuận cao kỷ lục của công ty chứng khoán này, gấp hơn 3 lần năm 2019.
Ngược lại, nhiều công ty chứng khoán “cài số lùi” khi đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng năm nay. Trong đó, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch là 1.000 tỷ đồng, giảm 5,6%. Năm trước, Công ty chỉ hoàn thành 70% chỉ tiêu lợi nhuận.
FPTS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 là 420 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với năm 2022. Hay Chứng khoán VPS đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 800 tỷ đồng, giảm 21% so với năm ngoái…