Chia sẻ với chúng tôi, ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc MSVN cho rằng, nâng hạng thị trường chứng khoán là từ khóa cho động lực của VN-Index trong năm nay.
Ông có đánh giá gì về một năm biến động mạnh của thị trường?
Có thể nói chặng đường hồi phục của nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2023 hoàn toàn không dễ dàng. Nếu như chúng ta chứng kiến sự hưng phấn của TTCK trong quý II/2023 được dẫn dắt bởi rất nhiều chính sách hỗ trợ của chính phủ (hầu hết các chính sách tài khóa và tiền tệ thời COVID đều được ban hành) và thị trường ở vùng thấp từ cuối năm 2022, thì bước sang nửa cuối quý III và quý IV/2023, áp lực tỷ giá và lợi nhuận doanh nghiệp yếu kém đã kéo thị trường điều chỉnh khá sâu. Nhìn tổng thể, VN-Index tăng khoảng 12% năm 2023 chủ yếu là do mức nền rất thấp cuối 2022. Biến động thị trường không quá lớn do các khó khăn vẫn còn và các doanh nghiệp cần thêm thời gian để làm lành các vết thương do khủng hoảng thị trường vốn và bất động sản gây ra.
Hiện câu chuyện nâng hạng thị trường được nhắc đến nhiều, theo ông những yếu tố nào đang là rào cản chúng ta cần cải thiện để quá trình nâng hạng được nhanh hơn?
Yêu cầu có đủ 100% tiền trước khi giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nhà đầu tư hiện đang là một rào cản lớn nhất đối với việc nâng hạng TTCK Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE.
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng với nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc gỡ bỏ quy định prefunding cho tổ chức nước ngoài được kỳ vọng sẽ sớm diễn ra trong quý II/2024 (cần nói thêm việc bỏ áp dụng prefunding đối với tổ chức nước ngoài sẽ là thông lệ quốc tế và thị trường sẽ công bằng hơn giữa nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư trong nước khi mà nhà đầu tư trong nước có thể sử dụng sức mua từ giao dịch ký quỹ) cùng với việc quy định và yêu cầu cung cấp thông tin rõ hơn về giới hạn sở hữu nhà nước ngoài theo từng công ty và ngành nghề sẽ là những yếu tố tích cực giúp Việt Nam sẽ chính thức nâng hạng kỳ xem xét tháng 9/2024 hoặc tháng 3/2025.
Một điều cần nhìn nhận là thị trường Việt có tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chiếm phần lớn, điều này khiến thị trường dễ gặp biến động mạnh, rào cản cho sự phát triển bền vững. Vậy theo ông để đạt được tỷ lệ hài hòa giữa nhà đầu tư tổ chức/cá nhân thì chúng ta cần những giải pháp nào?
Theo tôi để đạt được tỷ lệ hài hòa hơn thì bên cạnh việc thu hút các tổ chức nước ngoài thông qua nỗ lực nâng hạng thị trường thì chúng ta cần có chính sách khuyến khích phát triển các quỹ đầu tư nội địa thông qua các công ty quản lý quỹ trong nước. Với thu nhập của người dân ngày càng tăng, sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp giàu có (Ultra HNW, HNW) cùng với quy mô thị trường càng lớn và chuyên nghiệp hơn thì việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực quản lý tài sản là cần thiết cho sự phát triển bền vững của TTCK.
Ngân hàng là ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa cao nhất trên thị trường, ông có bình luận gì về bức tranh ngành này trong năm mới?
Chúng tôi cho rằng ngành ngân hàng sẽ vẫn duy trì khả năng sinh lợi bền vững trong năm 2024 dựa trên bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi, giúp cho việc tăng trưởng tín dụng sẽ ngày càng tốt hơn.
Điều này sẽ tạo ra hai tác động rất quan trọng. Thứ nhất, giúp các ngân hàng duy trì nguồn thu nhập lõi, từ đó có thể đảm bảo vừa trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu và vừa cân đối mục tiêu lợi nhuận cam kết với cổ đông. Thứ hai giúp tỷ lệ nợ xấu (tỷ lệ nợ xấu so với quy mô tín dụng) ổn định và giảm dần do mẫu số (quy mô tín dụng) được mở rộng tốt hơn.
Chúng tôi quan sát thấy tỷ lệ nợ xấu toàn ngành có tăng lên trong năm 2023, nhưng hơn 1/2 trong số đó là đến từ việc ghi nhận nợ xấu liên quan đến 5 ngân hàng yếu kém gồm SCB, Đông Á, OceanBank, GPBank và Ngân hàng Xây dựng. Nếu loại trừ 5 ngân hàng yếu kém này, thì hệ thống ngân hàng bình thường đang có mức nợ xấu (bao gồm cả nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01, 02 và nợ chuyển qua VAMC) tổng cộng là khoảng 4,5%, theo ước tính của chúng tôi. Tỷ lệ nợ xấu này vẫn nằm trong khả năng xử lý của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho ngành ngân hàng đảm bảo hoạt động ổn định và tránh cú sốc về trích lập dự phòng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã tuyên bố sẽ cân nhắc kéo dài thêm thời hạn áp dụng Thông tư 02 trong trường hợp các doanh nghiệp phục hồi chậm hơn dự kiến.
Nhìn tổng quát, với sự tăng tốc hồi phục của nền kinh tế và sự tăng trưởng cao của tín dụng (mục tiêu 15% năm nay), chúng tôi dự đoán tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần trong các quý tới. Thêm vào đó, với NIM cũng sẽ được cải thiện, chi phí tín dụng nằm trong tầm kiểm soát, chúng tôi ước tính lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng 19% so với cùng kỳ, dẫn dắt sự tăng trưởng lợi nhuận của toàn thị trường. Đây cũng là một trong những ngành chúng tôi lạc quan nhất trong năm 2024, bên cạnh ngành bán lẻ và công nghệ thông tin.
Ông có dự báo ra sao về kịch bản cho VN-Index năm 2024?
Chúng tôi xây dựng 2 kịch bản cho VN-Index dựa trên khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Đầu tiên là kịch bản cơ bản, nếu việc xem xét nâng hạng không diễn ra, dòng tiền khối ngoại vẫn yếu và thanh khoản khoảng 15.000 tỷ /phiên, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở mức 1.250 điểm, tăng khoảng 11% so với cuối 2023.
Với kịch bản tích cực, nếu tiến độ nâng hạng diễn ra như dự báo, dòng tiền khối ngoại sẽ mạnh hơn, thanh khoản có thể đạt 20.000-22.000 tỷ/phiên thì VN-Index có thể đạt mức 1.420 điểm, tăng 26%.
Trong cả 2 trường hợp, trái ngược với năm 2023, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có nhiều biến động trong nửa đầu năm. Sau đó, thị trường sẽ ổn định và tăng tốc dần vào những tháng còn lại của năm khi bức tranh về hồi phục kinh tế, lợi nhuận doanh nghiệp rõ ràng hơn, cũng như những nỗi lo về thị trường bất động sản và nợ xấu ngân hàng biến mất.
Xin cảm ơn ông!