Các ngân hàng kỳ vọng gì trong năm 2022?

Có tới 95% các tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận sẽ tăng lên trong năm 2022.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ vào cuối năm 2022
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý 1/2022 do Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mới đây cho thấy, trái với xu hướng suy giảm trong quý 3/2021, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ thanh toán và tín dụng đã tăng lên rõ rệt trong quý 4/2021. Riêng nhu cầu gửi tiền tuy vẫn ở mức thấp nhưng đã có dấu hiệu phục hồi so với quý trước. 
Tính chung trong năm 2021, nhu cầu tổng thể của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng được nhận định gia tăng so với năm 2020 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. 
Tại kỳ điều tra này, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý 1/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Sau khi đánh giá đã “giảm mạnh” giá bình quân sản phẩm, dịch vụ tại kỳ điều tra quý 3/2021, tại kỳ điều tra này, các TCTD nhận định tiếp tục “giảm” giá bình quân sản phẩm dịch vụ nhưng đã và sẽ thu hẹp xu hướng điều chỉnh “giảm” giá bình quân sản phẩm, dịch vụ trong quý 4/2021 và quý 1/2022 so với quý 3/2021. 
Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 4/2021 duy trì ở trạng thái tốt nhưng không dồi dào bằng quý 3/2021 đối với cả VND và ngoại tệ. Đánh giá tổng thể năm 2021, đa số TCTD nhận định tình hình thanh khoản “cải thiện” hơn năm 2020 nhưng mức độ “cải thiện” không bằng năm 2020 so với năm 2019.
Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, cải thiện nhiều hơn trong quý 1/2022 so với quý 4/2021. Tuy nhiên, các TCTD thận trọng khi dự kiến thanh khoản của cả năm 2022 tiếp tục “cải thiện”, với đánh giá mức độ “cải thiện” thấp hơn năm 2021.
Mặc dù khoảng đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy động-cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD kỳ vọng xu hướng “giảm” so với cuối năm 2020, tuy nhiên kỳ vọng về mức độ giảm bình quân toàn hệ thống so với cuối năm 2020 có điều chỉnh thu hẹp; dự báo mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý 1/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. 
Mặt bằng rủi ro đi xuống, tình hình kinh doanh dự báo cải thiện
Mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có dấu hiệu tăng chậm lại trong quý 4/2021 và quý 1/2022 so với quý 3/2021. 
Tính chung cả năm 2021, MBRR được các TCTD đánh giá tiếp tục “tăng nhẹ” so với năm 2020 cho đến hết quý 1/2022, nhưng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong các quý cuối của năm 2022. Dự báo tổng thể cả năm 2022, các TCTD kỳ vọng xu hướng giảm MBRR.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong quý 1/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. 
95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý 1/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước. 
Các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý 4/2021 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý 1/2022.
Các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý 4/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021 so với năm 2020. Dự báo cho thời gian tới, 72,2-84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 1 và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021. 
Theo các TCTD, kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 4/2021 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý trước. Trong quý 1/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý 4/2021, trong đó chủ yếu là “tăng nhẹ” (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng “không đổi” và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ. 
Đánh giá tổng thể năm 2021, 78,8% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020, bên cạnh đó, vẫn có 15,2% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi. Tuy nhiên, dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm”.
Trong quý 4/2021, hầu hết các TCTD đánh giá cả nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng hơn so với quý 3/2021. 
Đánh giá tổng thể cả năm 2021 so với năm 2020, các TCTD nhận định “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” vẫn là nhân tố quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD (60,4% TCTD lựa chọn), trong khi, “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” cùng với “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là 2 nhân tố dẫn đầu về tỷ lệ TCTD đánh giá có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị (23-30% TCTD đánh giá), nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ 54-56% TCTD đánh giá 2 nhân tố này có tác động tích cực trong năm 2021. 
Tuy nhiên, các TCTD kỳ vọng “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD kể từ quý 4/2021 cho tới các quý của năm 2022, trong khi, ”Sự cạnh tranh từ các TCTD khác” được nhận định có thể là nhân tố có tác động tiêu cực tới tình hình kinh doanh của TCTD trong năm 2022.
Tình hình lao động, việc làm tại các TCTD về cơ bản được giữ ổn định trong năm 2021 so với năm 2020 với tỷ lệ TCTD đã tuyển thêm hoặc giữ nguyên lao động đạt 88,2%, cao hơn tỷ lệ 86,6% của năm 2020. Các TCTD dự báo tình hình lao động, việc làm sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2022.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm sau 4 phiên

Chuỗi 4 phiên giao dịch dưới mốc 1.200 điểm đã tạm thời được cắt đứt. VN-Index đã xuất hiện một phiên tăng hơn 2% giúp cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, cũng như nhóm đã bắt đáy có được sự nhẹ nhõm trong tâm lý giao dịch.

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Chat với BizLIVE