Bảo hiểm xã hội với loạt tình trạng đáng báo động

Điển hình như tình trạng mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn cả mức chuẩn nghèo, lương hưu thấp hơn cả mức sống trung bình…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016 - 2021 có tổng cộng khoảng hơn 4,06 triệu lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần (khoảng 675 nghìn người/năm), trong khi cũng cả giai đoạn cũng chỉ phát triển thêm được 4,23 triệu người tham gia.

Loạt thực trạng trên được Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần quan tâm, sau giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hộI (BHXH) giai đoạn 2016 - 2021.

Kết quả giám sát chuyên đề này vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Báo cáo cho biết, theo số liệu của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2021, đến năm 2021 Số tham gia BHXH đạt khoảng 16.546.827 người (trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là 15.097007 người, tự nguyện là 1.449.820 người), chiếm khoảng 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số người tham gia bảo hiếm thất nghiệp (BHTN) là 13.394.943 người; số đơn vị tham gia BHXH đã tăng từ 334.432 lên 613.645.

Cơ quan giám sát lưu ý, đến hết năm 2021, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới đạt 33,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, lực lượng trong độ tuổi lao động tham gia BHTN mới đạt 29,76%.

Đề cập kết quả thu, báo cáo cho biết, số thu BHXH năm 2021 đạt hơn 269,1 nghìn tỷ đồng, so với năm 2016 tương ứng với số tăng đối tượng là 26,74% và tăng thu đạt tỷ lệ 53,26%.

Đáng chú ý là mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2021 là 5.698.469 đồng, tăng 32% so với năm 2016, tuy nhiên, tính theo giai đoạn thì hằng năm cũng chỉ tăng khoảng 6% (đã loại trừ năm 2021 không tăng tiền lương).

Như vậy, mức tăng chỉ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu vùng, kết quả giám sát nêu rõ.

Đáng chú ý hơn là mức lương bình quân tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 là 1.282.521 đồng, giảm gần 40% so với năm 2016.

Vấn đề cần quan tâm, theo Ủy ban Xã hội, đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, so với năm 2016, tỷ lệ tăng đối tượng là 17,47% và tỷ lệ tăng thu là 51% (gần gấp 3 lần so với tỷ lệ tăng đối tượng).

Tuy nhiên, đối với nhóm tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2016 dù đều có xu hướng tăng rất nhanh cả về đối tượng và số thu, nhưng về xu hướng tỷ lệ thì hoàn toàn ngược lại, tỷ lệ tăng đối tượng tham gia đạt 611,15% nhưng tỷ lệ tăng thu chỉ ở mức 412,2%.

Mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện năm 2021 đang thấp hơn mức chuẩn nghèo và có xu hướng ngày càng giảm, kết quả giám sát cho thấy vấn đề cần quan tâm, theo ủy ban của Quốc hội.

Cơ quan giám sát cho rằng, như vậy, về nguyên lý và theo các quy định hiện nay sẽ dẫn đến việc các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sau khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục cần sự hỗ trợ của nhà nước (do lương hưu được hưởng sẽ thấp hơn mức sống trung bình của địa phương).

Kết quả giám sát còn chỉ ra rằng năm 2016, số lượng người hưởng BHXH một lần chỉ ở mức hơn 500 nghìn người thì đến năm 2021 con số này đã lên tới 863.446 người, trong đó 98,8% số người hưởng chế độ BHXH một lần theo quy định không tham gia, không đóng BHXH trong 1 năm.

Số lượng đối tượng hưởng chế độ BHXH một lần dao động ở mức 5% so với tổng số người đang tham gia BHXH, bên cạnh đó, số năm bình quân đóng BHXH đến khi nhận BHXH một lần chỉ có 7 năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2021 có tổng cộng khoảng hơn 4,06 triệu lượt người hưởng chế độ BHXH một lần (khoảng 675 nghìn người/năm), trong khi cũng cả giai đoạn cũng chỉ phát triển thêm được 4,23 triệu người tham gia BHXH.

“Đặc biệt năm 2020 và 2021 do tác động của đại dịch COVID-19 thì số người hưởng chế độ BHXH một lần cao hơn rất nhiều so với số đối tượng phát triển được thêm. Bên cạnh đó, số người tái tham gia BHXH theo thống kê sơ bộ cũng chỉ có khoảng 140 nghìn người, chiếm tỷ lệ 3,5% tổng số người đã hưởng chế độ BHXH một lần”, Ủy ban Xã hội đặc biệt nhấn mạnh.

Ủy ban Xã hội cũng “sốt ruột” vì số người hưởng BHXH một lần tăng dần đều hằng năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng này.

Phần đề xuất, kiến nghị, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để trình Quốc hội bảo đảm chất lượng và tiến độ. Trong đó, nghiên cứu các kiến nghị liên quan đến mức đóng, căn cứ đóng BHXH, chế độ hưu trí, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng đặc thù (người lao động làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại, những người có tuổi nghề thấp hơn tuổi nghỉ hưu...), tình trạng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tính toán quỹ ngắn hạn, tình trạng cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, đầu tư và phát triển quỹ BHXH...

Kiến nghị tiếp theo, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất giải quyết dứt điểm đối với lao động đã xác định được quá trình đóng BHXH, BHTN của từng người tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn còn chậm đóng BHXH, BHTN nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động.

Cùng đó, Chính phủ nghiên cứu, sớm trình phương án sửa đổi chính sách, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và gắn với bản chất của Quỹ ngắn hạn, cơ quan thẩm tra đề nghị.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Dòng vốn FDI thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Sự tăng trưởng của dòng vốn FDI và các chính sách thân thiện với nhà đầu tư dành cho khu công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong lĩnh vực sản xuất, kỹ thuật và bất động sản công nghiệp.
Chat với BizLIVE