
Trong cơ cấu hoạt động, tín dụng vẫn là nguồn thu chủ lực nhưng cũng ghi nhận sụt giảm. Cụ thể, lãi thuần từ mảng này đạt 6.359 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh lao dốc gần 88%, chỉ còn 24 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư thậm chí ghi nhận khoản lỗ hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi tới 204 tỷ đồng.
Ở chiều tích cực, các mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác đều tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 872 tỷ đồng (tăng 17%), 475 tỷ đồng (tăng 104%) và 182 tỷ đồng (tăng 194%).
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý I đạt 7.914 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,1%. Mặc dù ACB đã tiết giảm chi phí hoạt động 2,6%, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng mạnh 22,3%, kéo theo lợi nhuận sụt giảm trong quý đầu năm.
Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của ACB đạt 891.674 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 598.805 tỷ đồng (tăng 3,12%), trong khi tiền gửi đạt 550.375 tỷ đồng (tăng 2,43%). Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ở mức cao, vượt 108%. Theo đó, để đảm bảo thanh khoản, ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá (tăng 12,2%) và vay từ Ngân hàng Nhà nước (tăng 134%).
Về chất lượng tín dụng, nợ xấu nội bảng của ACB tính đến cuối quý I là 8.844 tỷ đồng, tăng 2,2%. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng dư nợ cao hơn mức tăng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm nhẹ xuống còn 1,5%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 70,7%, thấp hơn mức 76,6% hồi đầu năm.
Bước sang năm 2025, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 984.967 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2024. Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến đạt 673.596 tỷ đồng (tăng 16%), trong khi tổng huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến đạt 728.409 tỷ đồng (tăng 14%). Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,5% so với năm trước, đồng thời tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.