“Tôi không kỳ vọng những mức tăng lớn như thế này sẽ trở thành phổ biến”, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu sau phiên họp điều hành chính sách của cơ quan này. Đây là lần thứ 3 trong năm nay FED tăng lãi suất, một động thái được cho là đúng kỳ vọng, nhưng cũng có chút bất ngờ.
Cá nhân ông Powell trong nhiều tuần trước đó đã trấn an thị trường về triển vọng tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm của FED tại kỳ họp điều hành chính sách trong từ 14-15/6. Nhưng càng gần tới thời điểm phiên họp, giới đầu tư nhanh chóng chuyển hướng nhận định FED sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn và diễn biến này cũng đã được phản ánh vào giá trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu.
Bình luận của ông Powell lập tức có tác động lên thị trường, giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 15/6. Nhưng dù có cố gắng đến mấy trong nỗ lực phát đi những thông điệp xoa dịu sức nóng, lãi suất của FED vẫn sẽ còn tăng, làm tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định tăng lãi suất của FED xuất hiện tại thời điểm thị trường tài chính toàn cầu có sự biến động mạnh trong nhiều ngày. Đó là việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng lên mức cao kỉ lục, giá cổ phiếu trên các thị trường giảm mạnh vì bị giới đầu tư bán tháo. Các loại tài sản rủi ro khác, như đồng bitcoin, lao dốc.
Câu chuyện không khởi nguồn từ Washington hay New York, mà là từ Sydney, Australia. Ngày 7/6, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) tăng lãi suất ở mức 0,5 điểm phần trăm, khi chính phủ nước này ngày một quan ngại về tình trạng lạm phát. Kế đó là từ Amsterdam, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vài ngày sau đó triệu tập phiên họp điều hành chính sách, xác nhận khả năng tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7 tới.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde thậm chí còn đi xa hơn, khi nói về triển vọng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 9 và để ngỏ mức tăng “ổn định” sau mốc thời gian này. Động thái trên cho thấy ECB đã có sự dịch chuyển quan điểm cơ bản, chuyển hướng sang chính sách “diều hâu”.
Diễn biến dồn dập trên kích hoạt biến động trên các thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm vọt lên trên mức 1,75%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Italy thậm chí còn vượt mốc 4%. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến ECB phải triệu tập phiên họp khẩn trong ngày 15/6 để bàn giải pháp xử lý biến động trên thị trường tài chính.
Những diễn biến tại Mỹ đóng vai trò là giọt nước tràn ly, khiến các thị trường biến động mạnh. Số liệu công bố ngày 10/6 cho thấy tỉ lệ lạm phát tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây. Tâm lý người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng, khi đa số nhận định ít có khả năng kéo lạm phát xuống thấp trong trung hạn.
Chứng khoán Mỹ ngay lập tức chịu ảnh hưởng. Chỉ số S&P 500 giảm 3% chốt phiên ngày 10/6, liền sau đó là mức giảm 4% trong ngày 13/6. Mức giảm này đã đưa S&P 500 đi vào vùng “thị trường đầu cơ giá xuống” - khái niệm được dùng trong trường hợp chỉ số chứng khoán giảm 20% so với mức đỉnh. Chỉ số trên sàn Nasdaq, nơi tập trung các công ty công nghệ lớn, còn diễn biến tệ hơn khi giảm 30% so với mức đỉnh.
Trên thị trường ngoại hối, USD Index - chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với rổ tiền tệ của nhóm các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới và cũng là những đối tác thương mại lớn của Mỹ, tăng 10% tính kể từ thời điểm đầu năm nay. Biến động này đẩy đồng yên Nhật xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 24 năm qua.
Chứng khoán Mỹ có phiên phục hồi sau quyết định tăng lãi suất của FED, nhưng rất khó để nhận định rằng giới đầu tư sẽ hào hứng giao dịch trở lại. Khảo sát của Ngân hàng Bank of America (BoA) cho thấy tâm lý lạc quan của giới quản lý quỹ về triển vọng kinh tế Mỹ đang ở mức thấp lịch sử. Liệu Mỹ có tránh được kịch bản “hạ cánh cứng”? Ngay cả ông Powell giờ cũng không còn đủ tự tin để khẳng định chắc chắn điều này. Phía trước vẫn còn nhiều điều bất ổn.