Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á xuất hiện trạng thái không thường xuyên xảy ra. Hàng loạt các chỉ số như KOSPI (+0,12%), TWSE (+1,34%), NIKKEI 225 (+0,51%), SHCMP (+0,67%), STI (+0,72%), SET (+1%), NIFTY 50 (+1,31%), KLSE (+0,01%) đều tăng điểm.
Tuy nhiên, vận động của chứng khoán Việt Nam lại không đi theo bối cảnh chung. Thay vào đó những dao động trên thị trường phái sinh lại chi phối khá nhiều tới VN-Index. Chốt phiên, VN-Index giảm gần 12 điểm và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số.
Chất xúc tác
Sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 11/2024 sẽ diễn ra vào ngày 21/11 và những biến động của thị trường phái sinh cũng đang thể hiện được sức hút tốt hơn so với cơ sở. HĐTL VN30F1M đang có 8 phiên tiếp vượt trên mức bình quân 20 phiên.
Xu hướng của nhà đầu tư vẫn là mở các vị thế short để tranh thủ "gỡ gạc" trước vận động ảm đạm trên cơ sở. Mức đóng cửa của VN30F1M đã rơi xuống 1.262 điểm trong khi VN30 giảm xuống 1.259 điểm.
Với cơ sở, giao dịch đã sụt giảm mạnh so với phiên hôm qua, giảm gần 22% xuống 437 triệu đơn vị khớp lệnh. Cùng với đó, áp lực bán ròng lớn từ khối ngoại vẫn còn nguyên khi giá trị bán ròng trên cả HOSE đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Qua đó, khối ngoại đã có 3 phiên liên tiếp rút ra trên 1.000 tỷ đồng/phiên.
Các mã Bluechips vẫn nằm trong top bán ròng của các nhà đầu tư ngoại như VHM (-342 tỷ đồng), FPT (-312 tỷ đồng), HDB (-206 tỷ đồng), HPG (-131 tỷ đồng), SSI (-107 tỷ đồng), MSN (-72 tỷ đồng).
Hiện cả tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng đều vẫn đang ở trong căng thẳng: giá bán USD trên thị trường tự do đang ở sát mốc 25.800 VND/USD trong khi các kỳ hạn lãi suất liên ngân hàng ở sát 6%. Trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bơm ròng tiếp 17.350,04 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch của NHNN đang có 99.999,77 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 38.350 tỷ đồng tín phiếu lưu hành.
Vận động thị trường
Với những lấn lướt của các vị thế short trên thị trường phái sinh, giao dịch cơ sở cũng chưa thể xuất hiện sự hồi phục. Chỉ số VN-Index tiếp tục có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp với thiệt hại gần 12 điểm xuống 1.205,15 điểm (-0,98%).
Nhóm cổ phiếu Bluechips thậm chí còn tạo ra những sức ép mạnh hơn về cuối phiên như BCM (-4,5%), MWG (-2,4%) đóng cửa thấp nhất phiên. Còn FPT (-3%), GVR (-2,4%), STB (-2%), SSI (-1,9%), GAS (-1,6%), HPG (-1,4%), TPB (-1,2%), MBB (-1,1%) cũng đều bị kéo xuống. Cả rổ VN30 có tới 23/30 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán ngay sau phiên có lực cầu bắt đáy lại nhanh chóng quay đầu giảm giá như VCI (-2,3%), BSI (-2,6%), CTS (-2,7%), VIX (-3,2%) và BVS (-3,9%), MBS (-2,9%) trên HNX.
Những cổ phiếu đã đi ngược thị trường trong tuần trước tiếp tục chứng kiến hiện tượng "giảm bù" với CTR (-6,3%), CMG (-6,93%), HAH (-6,78%), VSC (-6,69%), SZC (-6%), VOS (-5,8%), TV2 (-4,3%), KBC (-3,6%), HVN (-3,3%), VTP (-3,25%).
Chỉ một vài mã có sự hồi phục như VHM (+3,43%), NVL (+1,9%) nhưng cũng chưa đem đến những hy vọng rõ ràng cho thị trường. Toàn HOSE đã có 67,5% mã giảm giá. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 13.248 tỷ đồng, tương đương 511 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cùng đều đóng cửa giảm điểm, lần lượt -0,95% và 1,46%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.500 tỷ đồng.