Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 143.090 tấn, trị giá 61,027 triệu USD, giảm gần 26% về lượng và giảm 24% về trị giá so với tháng 5/2023.
Lũy kế, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1.269.847 tấn, trị giá 571,313 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 6,65 % về lượng, nhưng tăng 8,08 % về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 452,9 USD/tấn, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam
Việc hai nước Việt Nam – Trung Quốc có đường biên giới dài đã giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cả đường bộ lẫn đường biển giữa quốc gia đều thuận lợi và nhanh chóng.
Năm 2023, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, đạt 2.703.084 tấn, trị giá 1,186 tỷ USD, chiếm 91,51% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước.
Tháng 4/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc đạt 165.588 tấn, trị giá 71,184 triệu, so với tháng 4/2023 giảm không đáng kể về lượng, nhưng giảm đến 23,22% về kim ngạch.
Lũy kế, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Quốc đạt 1,05 triệu tấn, trị giá 470,51 triệu USD, chiếm 93,60% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, tăng không đáng kể về lượng nhưng tăng 18,4% về trị giá so với cùng kỳ, do giá xuất khẩu tăng. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 429,9 USD/tấn, giảm 3,6% so với tháng trước, nhưng tăng gần 10 % so với tháng 4/2023.
Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp tinh bột sắn lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay, đạt 401,82 nghìn tấn, trị giá 209,03 triệu USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 17,6% về trị giá so với cùng kỳ. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 40,03% trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng nhẹ so với mức 39,39% của 3 tháng đầu năm ngoái.
Đối với mặt hàng sắn lát, Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, đạt 165,67 nghìn tấn, với trị giá 43,26 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 46,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 22,63% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc.
Kỳ vọng giá sẽ tăng dần
Thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, hiện nhiều nhà máy sắn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên bắt đầu nghỉ chuẩn bị bảo dưỡng máy móc thiết bị, do lượng sắn củ tươi cuối vụ gần như đã hết. Lượng hàng tồn kho với giá thành công xưởng trước đó ở mức cao, nên giá chào bán FOB chưa giảm.
Lượng sắn lát trữ kho của doanh nghiệp vụ 2023-2024 rất thấp, ước tính chỉ bằng 60% sản lượng trữ kho của vụ 2022-2023. Nguyên nhân có thể do giá đầu vào cao, nhu cầu tiêu thụ chưa khởi sắc, giá đầu ra giữ ở mức thấp, gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp khi trữ hàng vào kho.
Trong khi đó, Thái Lan tăng lượng xuất khẩu với giá bán thực tế thấp, dẫn tới lượng hàng tinh bột sắn dồn về kho cảng chính của Trung Quốc khá nhiều. Nhưng nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn cho đầu vào sản xuất của một số ngành hàng tại Trung Quốc giảm, dẫn đến lượng tinh bột sắn Việt Nam giao dịch qua đường biển và đường bộ sang Trung Quốc rất trầm lắng.
Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá từ 520-530 USD/tấn (FOB) cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, giảm 5 USD/tấn so với cuối tháng 4/2024. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 3.900-4.080 CNY/tấn, giảm 20 CNY/tấn so với cuối tháng 4/2024.
Theo một số thương nhân, do có nhiều chủ hàng Trung Quốc bị bắt nên giao dịch mua bán tinh bột sắn bằng đường bộ từ Việt Nam sang Trung Quốc tuần qua giảm mạnh. Các Hợp tác xã gần cửa khẩu phía Trung Quốc cũng thận trọng nghe ngóng tình hình rồi mới giao dịch nhập hàng.
Trong khi đó, theo tin từ các đơn vị xuất khẩu sắn lát, giao dịch sắn lát tiếp tục trầm lắng. Các đơn vị kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này vẫn kỳ vọng giá sẽ nhích lên trong thời gian tới, đảm bảo không bị lỗ, trong bối cảnh giá ngô có xu hướng tăng nhẹ.