Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.049,12 điểm, giảm 1,46% so với tháng 3/2023 và tăng 4,17% so với cuối năm 2022.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng ghi nhận tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt hơn 641,1 triệu cổ phiếu và 11.121 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 24,63% về khối lượng bình quân và 21,36% về giá trị bình quân so với tháng 3/2023.
Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong tháng 4 đạt trên 36.368 tỷ đồng, chiếm hơn 8,17% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 2.529 tỷ đồng.
Cũng theo số liệu của HOSE, đến hết tháng 4/2023, sàn có 36 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) vẫn là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa trên 10 tỷ USD.
Như vậy, kể từ sau khi thị trường chạm đáy vào quý 4/2022, số lượng các mã có vốn hóa trên 1 tỷ USD vẫn chưa thực sự có chuyển biến lớn. Thời điểm thấp nhất vào tháng 10/2022, HOSE chỉ có 34 mã nhưng tới thời điểm hiện tại cũng chỉ có thêm 2 mã.
Tính từ tháng 10/2022 cho đến nay, tháng 1/2023 là thời điểm tốt nhất với 38 mã có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD. Trong khi đó trong năm 2022, có tới 8 tháng, số lượng các mã có vốn hóa trên 1 tỷ USD vượt con số 40.
Ngoài vị trí số 1 của VCB, các cổ phiếu còn lại cũng khá đáng chú ý. Cổ phiếu BID có tháng thứ 4 liên tiếp đứng ở vị trí số 2 và mã này cùng với VCB là 2 cổ phiếu duy nhất vẫn đang còn giữ xu hướng tăng dài hạn trong top 6 vốn hóa.
Xu hướng dài hạn của VN-Index vẫn chưa thể được khôi phục trở lại.
4 cổ phiếu còn lại là VHM, VIC, GAS, VNM cùng đang đánh mất xu hướng tăng dài hạn qua đó đặt ra thách thức cho chỉ số VN-Index trong việc vượt đường MA200. Khoảng cách hiện tại của VN-Index và đường MA200 tại khu vực 1.090 điểm chỉ là 50 điểm.