Theo báo cáo, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% (tăng 72,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt 105,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán.
Tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng.
Báo cáo nêu rõ, tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 144 nghìn tỷ đồng (33%) so cùng kỳ năm 2022.
Chi thường xuyên ước đạt 90,3% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; kinh phí thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2023 (đã dành nguồn khoảng 470 nghìn tỷ đồng của ngân sách các cấp để thực hiện cải cách chính sách tiền lương), thực hiện chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2023, bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn.
Lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác phát hành trái phiếu Chính phủ với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, định kỳ trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; qua đó, góp phần ổn định, lành mạnh thị trường tài chính – tiền tệ, kiểm soát lạm phát.
Về nợ công, để tiếp tục tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, năm 2023, đã tập trung hoàn thành việc đàm phán, ký kết 17 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 1.870 triệu USD.
Các khoản vay mới đàm phán và ký kết kể từ năm 2022 có mức lãi suất cao hơn, gần với thị trường hơn, phản ánh thay đổi chính sách cho vay của các nhà tài trợ với vị thế thu nhập trung bình thấp của Việt Nam.
Công tác trả nợ các khoản vay của NSNN được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, trình cấp thẩm quyền bố trí 28 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 để tăng chi trả nợ gốc các khoản vay ngân quỹ nhà nước, qua đó giảm áp lực trả nợ trong thời gian tới.
Dự kiến đến cuối năm 2023, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.