Trong cuộc họp FOMC mới nhất ngày 13/12, Fed giữ nguyên lãi suất chính sách trong cuộc họp thứ ba liên tiếp trong phạm vi mục tiêu 5,25-5,50% nhưng dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm tới.
Sau cuộc họp, chỉ số DXY đã giảm xuống mức 102,9 khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp của 3 tháng, quanh 4%. DXY yếu hơn đã đưa tỷ giá USD/VND xuống mức 24.278 VND/USD (+2,7% so với đầu năm; dữ liệu tính đến ngày 13/12/2023), chứng kiến mức giảm 1,3% so với mức đỉnh gần nhất vào ngày 26/10/2023.
Kể từ đầu năm nay, đồng USD vẫn tăng giá so với hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực, đặc biệt là Baht Thái (+2,0% so với đầu năm), Nhân dân tệ Trung Quốc (+3,1% so với đầu năm) và Ringgit Malaysia (+6,8% so với đầu năm).
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 12 mới công bố, các chuyên gia phân tích của VNDirect dự báo, từ giờ đến cuối năm, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục ổn định do Fed phát đi tín hiệu kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và bắt sẽ đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.200-24.400 VND/USD trong những tuần cuối năm nay”, VNDirect cho biết.
Theo chuyên gia, một số yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ sự ổn định của tiền đồng, bao gồm thặng dư thương mại cao kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao và FDI và kiều hối ổn định.
Áp lực tỷ giá giảm bớt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó ra thị trường thông qua kênh OMO. Trong thời gian từ ngày 30/10/2023 đến ngày 8/12/2023, NHNN đã bơm ròng khoảng 204.649 tỷ đồng (8,4 tỷ USD) qua kênh OMO, nhờ đó giảm lượng tín phiếu lưu hành về 0.
Động thái này đã xóa tan lo ngại thị trường về việc NHNN có thể đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng do áp lực tỷ giá.
Trong khi đó, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm. Tính đến ngày 14/12/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống còn 5,0%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với cuối tháng 10/2023 và khoảng 2,8% điểm so với cuối năm 2022. Như vậy, lãi suất huy động đã xuống thấp hơn giai đoạn COVID-19 do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.
Tính đến ngày 30/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,15% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 12% so với đầu năm của cùng kỳ năm ngoái và cách xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023. Ngoài ra, chính phủ còn thúc đẩy đầu tư công và mở rộng tài khóa, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
Theo chuyên gia VNDirect, với việc Fed không còn đề cập đến khả năng tăng lãi suất điều hành và dự báo khả năng cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024, NHNN sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
“NHNN sẽ xem xét cắt giảm lãi suất chính sách 50 điểm cơ bản vào năm tới trong trường hợp Fed cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến”, chuyên gia dự báo.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng theo đó được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5,0%/năm từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2024.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng còn lại của năm nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại giảm nhanh trong thời gian gần đây”, chuyên gia nhận định.