Theo đó, ngày 24/12, ngân hàng đã phát hành thành công gần 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ thực hiện quyền 100:21, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 21 cổ phiếu mới. Lượng cổ phiếu này dự kiến sẽ được chuyển giao trong tháng 1-2/2025.
Nguồn vốn phải hành được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các qũy năm 2022.
Sau đợt phát hành, tổng vốn điều lệ của BIDV đã tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng.
BIDV cho biết, số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV như hoạt động tín dụng, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của mạng lưới kinh doanh.
Cũng trong nỗ lực tăng vốn, tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đang làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để có thể phát hành riêng lẻ đợt 1 tỷ lệ 2,9% trong quý I/2025, phần còn lại (6,1%) sẽ được thực hiện sau đó tùy thuộc vào điều kiện thị trường.
Được biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được BIDV nêu ra từ năm 2022 với dự kiến ban đầu là phát hành 455 triệu cổ phiếu, tương ứng tăng 9%, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được do tình hình chưa thuận lợi.
Hiện ngân hàng chỉ có 2 cổ đông, đều là cổ đông tổ chức, sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, với tổng số cổ phần sở hữu là hơn 5,4 tỷ cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 95,99% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang sở hữu gần 4,62 tỷ cổ phiếu BID, tương ứng tỷ lệ 80,99% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi đó, cổ đông chiến lược Keb Hana Bank nắm hơn 855 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15%.
Về tình hình kinh doanh, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV cho biết, dự kiến kết thúc năm 2024 ngân hàng sẽ hoàn thành toàn diện, đồng bộ các mục tiêu, chỉ tiêu của NHNN và đại hội cổ đông giao.
Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng (100 tỷ USD); dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14%, vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).