Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ theo yêu cầu của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7.
Theo đó, hiện ngân hàng chỉ có 2 cổ đông, đều là cổ đông tổ chức, sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, với tổng số cổ phần sở hữu là hơn 5,4 tỷ cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 95,99% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang sở hữu gần 4,62 tỷ cổ phiếu BID, tương ứng tỷ lệ 80,99% vốn điều lệ của ngân hàng. Trong khi đó, cổ đông chiến lược Keb Hana Bank nắm hơn 855 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15%.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, BIDV đang là ngân hàng có cơ cấu sở hữu cô đặc nhất trong nhóm 3 ngân hàng có vốn nhà nước đã được cổ phần hóa là BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Trước đó, VietinBank cung cấp thông tin các cổ đông sở hữu trên 1% vốn bao gồm MUFG Bank, Công đoàn VietinBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam. Tổng số cổ phần các cổ đông này nắm giữ hơn 1.178 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu hơn 21,95% vốn điều lệ của ngân hàng.
Dù vậy, danh sách này chưa có tên cổ đông lớn nhất là Nhà nước với tỷ lệ sở hữu là 64,46% vốn.
Còn tại Vietcombank, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ tính đến ngày 20/7 chỉ có một tổ chức là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với số cổ phần sở hữu là hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,67% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, vốn Nhà nước tại ngân hàng này chiếm tới 74,8% vốn điều lệ và cổ đông chiến lược Mizuho cũng nắm giữ 15% vốn của Vietcombank.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1% so với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đến cuối tháng 6, tổng tài sản của BIDV đã đạt 2,52 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 6,2%, lên 1,88 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 6%, lên hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng của ngân hàng hiện ở mức khá cao, vượt 100%.
Về chất lượng cho vay, thuyết minh BCTC cho thấy, đến cuối tháng 6, tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 28.686 tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng hiện ở mức 1,52%, so với mức 1,26% hồi đầu năm.