Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với 2 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người phụ thuộc. Trong đó, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%.
Năm 2024, số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với năm 2019 và tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, số người từ 60 tuổi trở lên sẽ xấp xỉ 18 triệu người, tăng gần 4 triệu người so với năm 2024. Như vậy, Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm.
“Cần khẳng định rằng già hóa dân số phản ánh sự thành công trong việc cải thiện điều kiện kinh tế, sức khỏe và phúc lợi xã hội của người dân. Sự tiến bộ của y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe đã giúp giảm nguy cơ tử vong, giúp người dân khỏe manh hơn và có tuổi thọ cao hơn”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh tại cuộc họp báo quý mới đây.
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, vì vậy, ngoại trừ chính sách duy trì ổn định mức sinh, không để mức sinh giảm quá nhanh, thì việc đặt vấn đề ngăn chặn tình trạng già hóa dân số là không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển. Thay vào đó, chúng ta cần phải tìm giải pháp để ứng phó với vấn đề già hóa dân số.
Theo đó, thứ nhất, cải thiện chính sách sử dụng hiệu quả nguồn cung lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi. Có những chính sách phù hợp tạo điều kiện và khuyến khích lao động lớn tuổi tham gia công việc phù hợp đóng góp thêm sức lực cho gia đình và xã hội. Về lâu dài cần nghiên cứu các giải pháp để tăng tuổi nghỉ hưu, đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định.
Thứ hai, mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng thúc đẩy triển khai hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, đa trụ cột để nâng cao mức độ bao phủ toàn diện của hệ thống, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thứ ba, nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi…
Được biết, theo kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2024, mức sống tối thiểu (MSTT) của người dân Việt Nam ở mức 1,8 triệu đống/người/tháng; trong đó khu vực thành thị là 2,3 triệu đồng/người/tháng và khu vực nông thôn là 1,7 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2023, MSTT năm 2024 tăng 6,7%, trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của dân cư tăng 8,8%. Mức lương tối thiểu của người lao động tăng 6% từ 01/7/2024 giúp cho đời sống của người lao động nói riêng và người dân chung đã phần nào được cải thiện.