Vào lúc 14 giờ 27 phút theo giờ Việt Nam,giá dầu Brent Biển Bắc giảm 6 xu Mỹ, xuống 76,1 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ, xuống 73,27 USD/thùng.
Cả hai loại dầu trên đều giảm hơn 1% trong phiên giao dịch trước, do đồng USD mạnh lên và lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ tăng mạnh hơn dự đoán.
Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, nhận định thị trường dầu mỏ vẫn đang chịu tác động đối nghịch từ nhiều yếu tố thuận lợi và bất lợi. Nhu cầu theo mùa đang thúc đẩy giá dầu, trong khi dữ liệu vĩ mô hỗ trợ đồng USD mạnh lên trong trung hạn có thể cản trở đà tăng của giá dầu.
Các nhà phân tích của JPMorgan dự báo nhu cầu dầu trong tháng 1/2025 sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, lên 101,4 triệu thùng/ngày, chủ yếu do việc sử dụng nhiên liệu sưởi ấm gia tăng ở Bắc bán cầu.
JPMorgan cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao trong suốt tháng Một, do điều kiện mùa Đông lạnh hơn bình thường làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu sưởi ấm, cũng như hoạt động du lịch ở Trung Quốc bắt đầu sớm hơn cho kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy lượng xăng và nhiên liệu chưng cất dự trữ của Mỹ đã tăng trong tuần trước.
Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá trong phiên này, nhờ sự hỗ trợ từ sự gia tăng trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Ông Wong của OANDA dự báo giá dầu thô WTI sẽ dao động trong khoảng 67,55 - 77,95 USD/thùng cho đến tháng Hai, khi thị trường chờ đợi thêm thông tin rõ ràng về các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump và các biện pháp kích thích tài khóa mới từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các nguồn tin thương mại cho biết nguồn cung dầu thô của Saudi Arabia cho Trung Quốc trong tháng Hai sẽ giảm so với tháng Một, sau khi nước này tăng giá bán chính thức sang châu Á lần đầu tiên trong ba tháng qua.