Chứng khoán VNDIRECT vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô, những tác động do chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đối với kinh tế Việt Nam.
Theo chuyên gia VNDIRECT, tác động hiện tại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chủ yếu xoay quanh sự gia tăng của chỉ số DXY đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, từ đó thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong năm nay vẫn có thể đạt 14-15%.
Vì vậy, chuyên gia VNDIRECT giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 6,9% (+/- 0,1 điểm %).
Tuy nhiên, thách thức có thể sẽ gia tăng trong năm tới, đặc biệt là nửa cuối năm 2025 nếu ông Trump thúc đẩy thực thi chính sách bảo hộ thương mại.
Do đó, nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt với một số trở ngại nhất định, bao gồm: Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có khả năng gây ra chiến tranh thương mại giữa các siêu cường, gây ra tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu;
Thứ hai, sự bất ổn gia tăng khiến các nhà nhập khẩu và bán lẻ Mỹ ưu tiên tìm kiếm nhà cung cấp nội địa thay thế. Ngoài ra, kỳ vọng lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến các quyết định tiêu dùng và đầu tư ở Mỹ, cũng như làm chậm tiền trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED);
Thứ ba, dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn do đồng USD mạnh lên và nguy cơ Mỹ tiếp tục điều tra Việt Nam với cáo buộc thao túng tiền tệ, dẫn đến những áp lực nhất định lên tăng trưởng tín dụng, cung tiền và hoạt động của ngành ngân hàng.
“Trước những áp lực từ bên ngoài, Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào các động lực tăng trưởng trong nước trong năm 2025, bao gồm tiêu dùng nội địa, đầu tư tư nhân và đầu tư công. Sau mức tăng trưởng khiêm tốn vào năm 2024, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ hơn trong năm tới để hỗ trợ tăng trưởng”, báo cáo của VNDIRECT nêu.
Ngoài ra, dư địa chính sách tài khóa vẫn còn dồi dào do nguồn thu ngân sách nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024, cho phép Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa.
“Nhìn chung, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong năm 2025 dựa trên những nội lực đã được củng cố trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 xuống 6,6% từ mức trước đó là 6,9% để phản ánh các tác động tiêu cực của việc gia tăng các chính sách bảo hộ thương mại trên phạm vi toàn cầu và diễn biến mạnh lên của đồng USD”, báo cáo cho biết thêm.
Liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ, chuyên gia VNDIRECT cũng phân tích kỹ hơn cơ hội và thách thức cho thương mại của Việt Nam với 3 kịch bản tác động đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể: Kịch bản tích cực: Trung Quốc bị áp thuế 60% và không áp dụng thuế quan phổ thông; Kịch bản cơ sở: Trung Quốc bị áp thuế 60% và các quốc gia khác xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10- 20%; Kịch bản tiêu cực: Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20% và Việt Nam bị áp thuế bổ sung.
Trong kịch bản cơ sở, Trung Quốc bị áp thuế 60% và các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20%. Giả sử tất cả các yếu tố khác không đổi, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 8% so với cùng kỳ năm 2024. Ngay cả khi ông Trump áp dụng mức thuế phổ thông 10-20% lên các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ (ngoài Trung Quốc), việc Việt Nam có lợi thế về chênh lệch thuế quan với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ít nhất giữ được thị phần trong rổ hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Với Kịch bản tích cực, Trung Quốc bị áp thuế 60% và không áp dụng thuế quan phổ thông, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ vượt 8%, được củng cố bởi chênh lệch thuế đáng kể so với Trung Quốc, cùng với lợi thế cạnh tranh về vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chi phí nhân công và lực lượng lao động dồi dào.
Cuối cùng, ở kịch bản tiêu cực, Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20% và Việt Nam bị áp thuế bổ sung. Ở kịch bản này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 8%.
Tác động tiêu cực có thể sẽ không chỉ đến từ việc bị áp thêm thuế, mà còn đến từ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại tăng lên.
Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Mỹ từ các nước xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh tương tự. Mức độ nghiêm trọng của tác động sẽ phụ thuộc vào từng loại mặt hàng xuất khẩu, mức thuế suất hiện hành và thời điểm bị áp thuế.