Tình trạng lạm phát tăng cao có chấm dứt vào năm 2023?

Thị trường nhìn chung kỳ vọng rằng lạm phát toàn cầu sẽ thấp hơn vào năm 2023 do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Xã hội (SERC) Malaysia, thị trường nhìn chung đều kỳ vọng rằng mức lạm phát toàn cầu sẽ thấp hơn vào năm 2023 do lãi suất cao hơn làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng và kiểm soát lạm phát trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở các nền kinh tế tiên tiến.

Mức độ lạm phát quá cao đến mức khó chấp nhận đứng đầu trong danh sách các vấn đề đáng lo ngại nhất mà các chính phủ, công chúng và ngân hàng trung ương phải đối mặt vào năm 2022. Lạm phát tăng cao đã buộc các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các biện pháp chống lạm phát và bình ổn giá để giảm bớt gánh nặng lạm phát đối với người dân.

Lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao đã làm xói mòn khả năng chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, khiến thu nhập khả dụng ròng càng thấp hơn. Do kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương, buộc họ phải tăng lãi suất mạnh mẽ để loại bỏ áp lực giá từ cả cú sốc cung và áp lực cầu cũng như để kiềm chế kỳ vọng lạm phát.

Nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ được củng cố bởi sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động và cải thiện trong tăng trưởng tiền lương phải được kiểm soát.

Dữ liệu lạm phát gần đây cho thấy giá tiêu dùng và sản xuất đã bắt đầu giảm từ mức cao nhất. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã chậm lại trong 4 tháng liên tiếp, từ 9,1% vào tháng 6/2022 xuống 7,7% vào tháng 10 cùng năm, trong khi tỷ lệ này ở Khu vực đồng euro đã giảm xuống 10,0% trong tháng 11/2022 từ mức cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022.

Có nhiều lý do để cho rằng không đáng lo ngại về lạm phát vào năm 2023. Với giá lương thực, hàng hóa và năng lượng giảm dần so với mức cao nhất, tình trạng gián đoạn nguồn cung và áp lực thị trường lao động giảm bớt, kết hợp với tác động trễ của các đợt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu để hạ nhiệt nhu cầu, tỷ lệ lạm phát toàn cầu có thể sẽ hạ nhiệt trong suốt năm 2023 nhưng sẽ kéo dài và chậm.

Tốc độ giảm lạm phát có thể chậm trong suốt cả năm 2023 đồng nghĩa rằng các ngân hàng trung ương vẫn có thể tiếp tục tăng lãi suất ít hơn và sẽ giữ vững lập trường với mức lãi suất lâu hơn trong suốt năm 2023.

Tuy nhiên, liệu việc mở cửa trở lại của Trung Quốc có làm rung chuyển những kỳ vọng lạm phát thấp hơn này? Và Trung Quốc sẽ rơi vào giảm phát hay lạm phát cao trở lại?

Sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc sẽ giúp củng cố giá năng lượng và hàng hóa. Tại thị trường nội địa của nước này, mức độ suy giảm năng suất có thể được khôi phục để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi.

Mặc dù có thể xuất hiện sự gián đoạn nguồn cung do sự lây nhiễm dịch bệnh trong lực lượng lao động, nhưng theo thời gian, việc thông suốt chuỗi cung ứng cũng như nhu cầu và nguồn cung liên tục sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu.

Quỹ đạo lạm phát của Malaysia năm 2023 sẽ như thế nào? Sau khi đạt đỉnh 4,5% vào quý III/2022, lạm phát chung đã giảm trong tháng thứ hai liên tiếp xuống còn 4,0% vào tháng 10/2022, chủ yếu do tác động cơ bản của giá điện, nhiên liệu không được trợ cấp và các dịch vụ lưu trú.

Từ tháng 1-10/2022, lạm phát toàn phần tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021 và lạm phát lõi tăng 2,8%. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn tiếp tục tăng từ 6,8% đến 7,2% từ tháng 7 -10/2022.

Điều này diễn ra bất chấp việc kiểm soát giá và trợ cấp đối với trứng, thịt gà, cũng như dầu ăn được sử dụng để chế biến thức ăn. Tương tự, giá điện cũng được trợ cấp rất nhiều.

Giá lương thực ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp vì Nhóm B40 ( nhóm 40% có thu nhập thấp nhất) chi tới 36,8% tổng chi tiêu của hộ gia đình cho các mặt hàng thực phẩm, bao gồm cả nhà hàng và khách sạn.

Trong bối cảnh giá dầu thô và hàng hóa giảm, cả lạm phát lõi và lạm phát toàn phần được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023, tùy thuộc vào các biện pháp chính sách trong nước về trợ cấp (nhiên liệu, thực phẩm, dầu ăn và giá điện).

Giá xăng RON95 được trợ giá dựa trên giá dầu thô trong khoảng 55-60 USD/thùng.

Chính phủ Malaysia khả năng sẽ dần loại bỏ trợ cấp, chuyển từ trợ cấp toàn bộ sang trợ cấp có mục tiêu vào năm 2023 để giảm bớt tác động của áp lực lạm phát đối với các hộ gia đình và áp lực chi phí đối với doanh nghiệp.

Áp lực giá cả trong nước không thể tránh khỏi khi khả năng sẽ có những thay đổi tiềm năng đối với các biện pháp chính sách trong nước để hợp lý hóa các khoản trợ cấp.

Ước tính lạm phát chung của Malaysia sẽ tăng 2,5% -3,3% vào năm 2023 (ước tính 3,5% vào năm 2022). Quỹ đạo CPI dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi các hiệu ứng cơ sở cao tương ứng vào năm 2022.

Tỷ lệ lạm phát giảm không có nghĩa là giá cả tại các nhà hàng, cửa hàng, siêu thị sẽ giảm, mà chỉ đồng nghĩa sẽ tăng chậm hơn so với trước đó.

Tương tự, chi phí sinh hoạt cao hơn sẽ không sớm được giải quyết hoàn toàn. Các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình tiếp tục gặp khó khăn do những thách thức về chi phí sinh hoạt gia tăng khi giá cả tăng trên diện rộng vốn đã siết chặt ngân sách eo hẹp của họ so với thu nhập và tiền lương.

Không thể cải thiện nhanh chóng mức chi phí sinh hoạt. Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp giảm nhẹ trong ngắn hạn như kiểm soát giá, trợ cấp, hỗ trợ tiền mặt có mục tiêu, trợ giá đầu vào để giảm thiểu một phần lạm phát và chi phí sinh hoạt cao hơn.

Trong khi đó, các giải pháp dài hạn bao gồm tăng nguồn cung thực phẩm, giảm sự phụ thuộc vào hàng tiêu dùng nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất và cải thiện các kênh phân phối.

Chính phủ phải nỗ lực cải thiện thu nhập của các hộ gia đình thông qua các chương trình đảm bảo thu nhập cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương; nâng cao khả năng có việc làm và khả năng có thu nhập thông qua nâng cao kỹ năng và đào tạo lại; tạo cơ hội việc làm được trả lương cao hơn; thực hiện hệ thống tiền lương gắn với năng suất và hiệu quả công việc; khuyến khích người sử dụng lao động tăng mức bồi thường cho nhân viên (CE) dựa trên năng suất và hiệu suất.

Tỷ lệ CE trên GDP của Malaysia là 34,8% vào năm 2021, thấp hơn so với nhiều quốc gia khác như Singapore (49,6%), Nhật Bản (56,1%), Anh (57,4%), Mỹ (58,2%), Hàn Quốc (58,5%), Australia (59,6%); và Đức (63,2%) vào năm 2019.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE