Có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 14/3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022. Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29/02/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%).
Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.
NHNN cho biết, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Có 2 lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm, đó là tín dụng lĩnh vực bất động sản, tăng 0,23% so với cuối năm 2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán, tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank nhận định, sự tăng trưởng chậm, thậm chí là giảm trong 2 tháng đầu năm không phải vấn đề lớn. Bởi việc này mang tính chất mùa vụ và nhu cầu, tăng trưởng trong thời gian tới sẽ rất nhiều và cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng.
“Về tăng trưởng, hiện nay có một mảng chúng ta chưa làm được nhiều, đó là kích cầu tiêu dùng nội địa. Chúng ta có nói đến nhưng thực sự chưa làm mấy. Cần có hẳn chương trình của Chính phủ coi kích cầu tiêu dùng nội địa là vấn đề lớn", ông Vinh nói.
Bên cạnh đó, Tổng giám đốc VPBank cũng nhận định, chúng ta đang thừa tiền trong ngân hàng. Tiền trong ngân hàng mà thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm.
“Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay?. Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho họ là 240 nghìn tỷ, hiện nay tổng giải ngân hơn 60 nghìn tỷ, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án. Lãi suất chỉ là một trong các yếu tố. Những gì chúng ta đã đạt trong thời gian vừa qua là lãi suất giảm rất nhiều. Tôi cho rằng hiện nay phải tạo cơ hội cho các Hiệp hội", ông Vinh nêu quan điểm.
Ông Vinh mong muốn Nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng "cần xem lại xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp".
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch BIDV nhận định, việc dư nợ tín dụng 2 tháng đầu năm của nền kinh tế sụt giảm không quá quan ngại vì phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.
Lãnh đạo BIDV khẳng định, nhìn từ quan hệ cung – cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và NHNN thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng của Việt Nam 15% trong năm nay hoàn thành có thể thực hiện được.
BIDV đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành nỗ lực hoàn thiện thể chế (hướng dẫn thực hiện các Luật kinh doanh bất động sản, đất đai, nhà ở, tổ chức tín dụng...) vừa được Quốc hội thông qua; hoàn thiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển các thị trường (như hàng hóa, tiêu thụ, xuất nhập khẩu; lao động, bất động sản,…). Đây chính là tiền đề và là động lực phát triển thị trường tài chính (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; tín dụng ngân hàng,…).
BIDV cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (khôi phục thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới; hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, giảm và giảm hoàn thuế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cải thiện tình hình tài chính và tăng cường đào tạo quản trị doanh nghiệp, liên kết thông qua các hội, hiệp hội ngành nghề.
Lãnh đạo BIDV cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi; minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; đặc biệt cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay.
Cần có giải pháp cho vấn đề xử lý nợ
Về lãi suất, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng Chính phủ và NHNN, các doanh nghiệp cũng muốn lãi suất giảm. Điều đó rất chính đáng nhưng để giảm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan làm kìm hãm không thể giảm được lãi suất.
Ông Vinh cũng đề nghị về có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ. Theo ông, nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi của ngành ngân hàng, nền kinh tế. Lĩnh vực xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm, cần có một Bộ luật riêng để xử lý nợ xấu.
Theo ông Vinh, càng ngày các ngân hàng càng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn. Nghị quyết 42 sẽ hết hạn tháng 12 này, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác. Ngày xưa chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải 2 đến 3 năm mới xử lý được nợ.
Theo đó, ông Vinh đề nghị về dài hạn cần có một Bộ luật về vấn đề xử lý nợ xấu. Trong Bộ luật các tổ chức tín dụng ban hành vừa qua, rất nhiều điều hay nhưng riêng vấn đề xử lý nợ chỉ có 2, 3 điều. Trong lúc chờ đợi, ông Vinh đề nghị gia hạn Nghị quyết 42.