Giá dầu trên thị trường Mỹ hiện đã rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 12/2021 bởi những lo ngại rằng các cuộc biểu tình tại Trung Quốc phản đối quy định phong tỏa ngặt nghèo ngăn COVID-19 sẽ làm cho nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 2,7% và giao dịch gần sát mốc 74USD/thùng, ngưỡng từng được thiết lập tháng 12/2021. Thị trường London, giá dầu Brent giảm 2,9% xuống gần sát mốc 81USD/thùng – đây là ngưỡng thấp nhất tính từ tháng 1/2022.
Giá dầu trên thị trường toàn cầu đã giảm ước tính khoảng 35% từ tháng 6/2022 bởi các biện pháp phong tỏa và hiện tại giao dịch ở gần mức 74USD/thùng – ngưỡng từng được thiết lập vào tháng 12/2021. Nhiều nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đang có nhiều dấu hiệu sẽ rơi vào suy thoái.
Giá xăng mà người Mỹ sử dụng nhờ vậy cũng đang giảm đi.
Giá trung bình một gallon xăng tại Mỹ hiện ở mức khoảng 3,55USD/gallon, giảm 0,3% so với một ngày trước đó và thấp hơn 5,7% so với tháng trước, theo AAA. Giá dầu thô là yếu tố lớn nhất kéo giá xăng tại Mỹ giảm, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Tại Trung Quốc thời gian gần đây đã có những cuộc biểu tình, nhiều người dân không tán thành với việc duy trì chính sách không COVID-19 của chính phủ nước này.
Giá dầu toàn cầu đã giảm dù rằng nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và các nước liên minh (OPEC+) giảm sản lượng ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày bắt đầu từ tháng này và như vậy đây là đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay nhất tính từ đầu đại dịch COVID-19. OPEC+ dự kiến sẽ có cuộc họp vào ngày Chủ Nhật.
Giá nhiên liệu giảm đã mang đến thêm nhiều giải tỏa tâm lý cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới vốn đã chật vật trong thanh toán hóa đơn năng lượng tăng vọt tính từ khi Nga – Ukraine leo thang căng thẳng vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn trong trạng thái lo lắng khi mà phương Tây đang cố gắng đồng thuận để áp trần giá dầu Nga. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới hiện đang tranh cãi nhau về mức giá dầu, vốn được tính toán để hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm căng thẳng thêm tình hình nguồn cung dầu toàn cầu.
Theo các thông tin truyền thông vào tuần trước, giá dầu Nga có thể bị hạn chế ở ngưỡng khoảng 65-70USD?thùng, gần sát mức giá bán ra thị trường hiện tại. Tuy nhiên ngưỡng này cũng sẽ chẳng gây ra ảnh hưởng gì đến Nga.
Tuy nhiên nếu các nước phương Tây quyết định áp trần giá dầu ở ngưỡng thấp hơn, họ sẽ có thể thổi bùng ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt nếu Nga trả đũa. Tuy nhiên phía Nga cũng có thể quyết định giảm quy mô sản xuất dầu nhiều hơn so với dự kiến, đẩy tăng giá dầu và tạo ra lạm phát toàn cầu.
Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Oanda, ông Craig Erlam, nhận xét: “Dường như phương Tây sẽ áp trần giá dầu ở mức mà Nga sẽ vẫn có thể bán dầu bình thường, và như vậy biện pháp cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi”.
Quy định áp trần giá dầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12/2022, cùng ngày mà quy định cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.