Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động

Ông Giovanni Staunovo, chiến lược gia dầu mỏ của ngân hàng UBS, cho biết giá dầu Brent dự kiến sẽ giao dịch ở mức trung bình 80 USD/thùng trong năm 2025.

Giá dầu thế giới đóng cửa tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầy biến động hôm 14/11, khi lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ sụt giảm mạnh đã lấn át những lo ngại về nguồn cung dư thừa và nhu cầu yếu do đồng USD mạnh lên.

094548-gia-dau-tho-the-gioi-tang-hon-3-do-cang-thang-leo-thang-o-trung-dong.jpg
Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 28 xu Mỹ (0,4%) lên 72,56 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 27 xu Mỹ (0,4%) lên 68,70 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent dự kiến giảm khoảng 1,7%, trong khi giá dầu WTI có thể giảm hơn 2% do đồng USD mạnh lên và lo ngại về nguồn cung gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu chậm lại.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu trong kho dự trữ của Mỹ đã giảm 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/11, xuống 206,9 triệu thùng, trái ngược với dự báo tăng 600.000 thùng mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters đưa ra. Mức dự trữ của tuần trước là mức dự trữ thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Quảng cáo

Dự trữ nhiên liệu chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,4 triệu thùng, so với dự báo tăng 200.000 thùng.

Giá xăng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 0,8%, trong khi giá dầu sưởi kỳ hạn giảm khoảng 0,3% sau khi tăng vọt trong thời gian ngắn khi dữ liệu được công bố.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt cầu vào năm 2025 ngay cả khi OPEC+ (bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước sản xuất dầu liên minh) tiếp tục duy trì việc cắt giảm sản lượng, do sản lượng tăng từ Mỹ và các nhà sản xuất khác bên ngoài OPEC+ vượt nhu cầu chậm chạp.

IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2024 thêm 60.000 thùng/ngày lên 920.000 thùng/ngày và giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2025 ở mức 990.000 thùng/ngày.

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong một năm và hướng tới phiên tăng thứ năm liên tiếp, nhờ lợi suất trái phiếu tăng và chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Đồng USD mạnh lên khiến dầu được giao dịch bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, điều này có thể làm giảm nhu cầu.

Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính OANDA, cho biết lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu.

Ngày 12/11, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2024 và năm 2025, nêu bật nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác. Đây là lần thứ tư liên tiếp OPEC điều chỉnh giảm triển vọng năm 2024.

Ông Giovanni Staunovo, chiến lược gia dầu mỏ của ngân hàng UBS, cho biết giá dầu Brent dự kiến sẽ giao dịch ở mức trung bình 80 USD/thùng trong năm 2025, giảm so với dự báo 85 USD/thùng vào cuối tháng 9/2024, do ước tính tăng trưởng nhu cầu giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu giằng co giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị và nguồn cung

Phiên 19/11, giá dầu ít biến động, khi dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine làm dấy lên nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng việc mỏ Johan Sverdrup nối lại sản xuất đã hạn chế đà tăng của dầu.

Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động