Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của của chuyển đổi số.
Theo đó, các chính sách phải hướng về kết quả cuối cùng là người dân và doanh nghiệp. Đây là chủ thể cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số, có như vậy chuyển đổi số mới mang tính toàn dân, toàn diện và mang lại lợi ích thiết thực.
“Chuyển đổi số là hành trình dài, kế thừa từ ứng dụng công nghệ thông tin đến tin học hóa. Trong hành trình này, có những thứ chúng ta chưa biết, chưa rõ về cách làm”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Con đường về chuyển đổi số của Việt Nam bắt đầu từ chủ trương tại Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị. Sau đó, các chương trình chiến lược về chuyển đổi số lần lượt được Thủ tướng phê duyệt.
Bộ TT&TT hoàn thành, thiết lập cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc gia (dx.gov.vn), để cung cấp thông tin hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi số. Trong đó, chuyên trang Cẩm nang số là cuốn sách ghi lại tóm lược những điều quan trọng và thiết yếu nhất về chuyển đổi số. Chuyên trang số có gần 10 triệu lượt truy cập.
Cơ quan Nhà nước có thể tìm thông tin tại chuyên trang về chính phủ số, giới thiệu về những công nghệ mở, các nền tảng phục vụ chính phủ số do Bộ TT&TT đánh giá và công bố, những câu chuyện, mô hình hay về phát triển chính phủ số, chuyên trang dành cho cơ quan nhà nước tại dx.mic.gov.vn.
Doanh nghiệp có thể tìm thông tin hữu ích tại chuyên trang SMEdx. Chuyên trang giới thiệu về các nền tảng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), những câu chuyện, mô hình hay về chuyển đổi số cho DNNVV. Chuyên trang này tiếp cận 500.000 DNNVV, lựa chọn những nền tảng số Việt Nam xuất sắc phục vụ chuyển đổi số.
“Đến nay, gần 7.000 doanh nghiệp ký hợp đồng sử dụng thật, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, những doanh nghiệp đang trực tiếp phát triển những nền tảng số thông qua mở rộng thị trường”, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết.
Người dân có thể tìm thông tin hữu ích tại chuyên trang về xã hội số (congdanso.mic.gov.vn), với những câu chuyện, hướng dẫn kỹ năng sử dụng sản phẩm của dịch vụ số như hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, mở tài khoản thanh toán trực tuyến, sử dụng các sản phẩm dịch vụ số để phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Bộ TT&TT cũng tập hợp các bài toán, vấn đề về chuyển đổi số tại Việt Nam trên trang c63.mic.gov.vn.
Với các doanh nghiệp, cũng có câu chuyện thành công bước đầu như doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực cà phê, dệt may, sản xuất thông minh. Các câu chuyện tạo cảm hứng cho doanh nghiệp khác khi chuyển đổi số. Thông tin về những câu chuyện, mô hình được Bộ TT&TT cập nhật và tổng hợp tại địa chỉ v63.mic.gov.vn.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng cung cấp nền tảng học trực tuyến, bồi dưỡng kỹ năng số cho 2 triệu công chức, viên chức và 100 triệu người dân Việt Nam tại chuyên trang onetouch.mic.gov.vn.
Người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ từ cổng thông tin điện tử chuyển đổi số quốc giaĐể người dân tự trang bị kỹ năng số, tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công mạng, Bộ TT&TT phát động chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng năm 2022 nhằm ngăn chặn tình trạng các trang web, máy chủ tại Việt Nam bị lợi dụng để thực hiện phát tán mã độc, tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng botnet, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng.
Bộ TT&TT cũng phát động chương trình tháng tiêu dùng số với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.
Kinh tế số đạt 10,41% GDP
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) cho biết nếu coi 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch và 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025 tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đạt được các kết quả trên cả 3 trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025 là 20% GDP.
Mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam là 20% vào năm 2025Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu, phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử, phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến, phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết Bộ Công an xây dựng và triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đưa vào vận hành từ 1/7/2021 với mục tiêu là hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của công dân Việt Nam.
Việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử, cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành từ ngày 18/7.
Điều này đem lại lợi ích kinh tế, tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành 107,7 triệu thẻ ATM hiện sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM.
Chia sẻ về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, ông Phùng Trọng Văn - Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định chuyển đổi số mang lại nhiều đột phá.
Bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải cũng đem đến lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu, tiết kiệm thời gian và chi phí, tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ, hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau, hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính…) giúp quản lý thuận tiện hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc tăng trưởng GapoWork, không gian làm việc số (digital workplace) cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc và công tác mọi lúc mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp, tối ưu trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất, đồng thời đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong tổ chức với nhu cầu và khả năng công nghệ khác nhau.
Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp, chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế, tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin.
Điều này khiến lãnh đạo khó kiểm soát thông tin hơn, có thể gặp rủi ro thất thoát thông tin, thiếu sự đồng bộ, kịp thời và đa chiều trong truyền đạt thông tin trong đơn vị…
Không gian làm việc số giúp hỗ trợ lực lượng lao động phân tán, bổ trợ và giải quyết một số vấn đề cho không gian vật lý. Không gian làm việc số cũng phá bỏ rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình tách bạch giữa công việc và cuộc sống, quản trị linh hoạt, tăng sự hiện diện của lãnh đạo, quản trị tinh gọi, tăng tốc xử lý thông tin qua thúc đẩy giao tiếp.