Giá thuê tàu bay quá “chát”
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, đến ngày 2/5/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.
Sự sụt giảm này chủ yếu là do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).
Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên sự việc này làm cho khoảng 42 tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 1/2024). Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa cũng bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì đến năm 2024 phải cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.
Bên cạnh đó, kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024 cũng bị ảnh hưởng. VietJet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7/2024; các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.
Ngoài ra, các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo Airways đang thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nên hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu so năm 2023) và Bamboo chỉ khai thác 5 tàu (giảm 25 tàu so với năm 2023).
Bối cảnh thiếu hụt tàu bay, trong khi nhu cầu đi lại đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, buộc các hãng hàng không phải tiếp tục đi thuê máy bay.
Tuy nhiên, giá thuê động cơ đối với Airbus A321 đã tăng gấp đôi từ 48.000-50.000 USD/tháng vào năm 2019, lên 80.000-100.000 USD/tháng vào năm 2024; giá thuê tàu bay Boeing B-787 cũng tăng từ 160.000 USD/tháng vào năm 2022 lên 370.000 USD/tháng vào năm 2024. Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.
Số liệu thực tế từ báo cáo tài chính của các hãng hàng không cũng cho thấy những năm gần đây các hãng đã phải chi ra cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm để thuê máy bay.
Trong quý I/2024, chi phí thuê, sửa chữa máy bay của Vietnam Airlines đã tăng gần 39% so với cùng kỳ, lên 7.381 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, chi phí thuê máy bay của hãng hàng không quốc gia là 12.253 tỷ đồng, tương ứng mỗi tháng Vietnam Airlines chi hơn 1.000 tỷ đồng để thuê máy bay. Ngoài ra, trong năm vừa qua, Vietnam Airlines còn ghi nhận 5.984 tỷ đồng chi phí sửa chữa lớn động cơ máy bay; 3.123 tỷ đồng chi phí sửa chữa thường xuyên động cơ máy bay...
Thuyết minh báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 của Vietnam Airlines cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2023, hãng bay đang thuê khô 62 máy bay, bao gồm 10 chiếc A320, 10 chiếc A321, 20 chiếc A321 NEO, 14 chiếc A350, 4 chiếc B787-9 và 4 chiếc B787-10.
Ngoài ra, hãng còn thuê dài hạn 1 động cơ máy bay A321, 4 động cơ A321 NEO, 2 động cơ A350 và 2 động cơ B787; thuê ngắn hạn 33 động cơ máy bay các loại.
Đáng chú ý, năm 2023 dù số lượng máy bay thuê của Vietnam Airlines giảm 6 chiếc so với năm 2022 nhưng chi phí thuê lại tăng 7,8%. Khoản chi phí tăng lên này có thể do hãng đã tăng số lượng động cơ thuê lên gấp đôi năm 2022.
Trong giai đoạn từ năm 2016-2023, mỗi năm Vietnam Airlines chi hơn chục nghìn tỷ đồng để thuê máy bay, và đỉnh điểm là năm 2020 – năm đầu xảy ra đại dịch COVID-19, hãng bay đã chi tới 15.300 tỷ đồng để thuê 74 máy bay. Chi phí này chiếm tới hơn 33% chi phí sản xuất của năm 2020. Sang năm 2021, chi phí thuê máy bay tuy có giảm nhưng tỷ trọng trong chi phí sản xuất lại tăng lên mức 38%.
Tương tự, với VietJet Air, năm 2021 hãng hàng không giá rẻ này cũng bắt đầu phát sinh khoản chi phí thuê tàu bay, trong khi các năm trước đó chỉ ghi nhận chi phí mua tàu bay.
Từ mức 4.100 tỷ đồng trong năm 2021, chi phí thuê tàu bay của VietJet đã tăng vọt lên hơn 11.300 tỷ đồng vào năm 2023 và luôn chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất kinh doanh.
Như vậy, nếu tiếp tục duy trì lượng tàu thuê như năm 2023, trong khi giá thuê vẫn trong xu hướng tăng thì các hãng hàng không Việt có thể sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn để thuê tàu trong năm 2024.
Thiếu hụt máy bay và giá thuê tăng có thể tiếp tục đẩy giá vé lên cao
Việc thiếu hụt máy bay và động cơ khiến giá thuê bị đẩy lên cao cũng là xu hướng đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Theo những nghiên cứu và đánh giá của Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới sẽ tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.
AAPA cho biết, khởi nguồn của việc thiếu hụt này là từ các vấn đề xảy ra với hai nhà sản xuất tàu bay hàng đầu trên thế giới là Airbus và Boeing; trong khi các tàu bay của Airbus đang đối mặt với vấn đề triệu hồi để sửa chữa động cơ trên các dòng máy bay chủ lực A320, A321 của nhiều hãng hàng không trên thế giới, thì Boeing đang gặp phải những vấn đề sự cố kỹ thuật trong khai thác các dòng máy bay thế hệ mới 737, dẫn đến việc chậm trễ bàn giao tàu bay cho các hãng hàng không.
AAPA nhận định tình trạng thiếu hụt này kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm việc bảo đảm lực lượng đội tàu bay của các hãng hàng không, kéo theo việc giảm cung ứng tải trên các đường bay và dẫn đến áp lực tăng giá vé khi nhu cầu vận chuyển hàng không tăng lên.
Thực tế, thời gian qua, theo Cục Hàng không Việt Nam, việc thiếu hụt máy bay và giá thuê tàu bay tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng.
Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, kết quả kiểm tra thực tế mức giá vé bán ra với các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines trong giai đoạn từ ngày 1/1 đến ngày 30/4/2024 ghi nhận, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng so sánh với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó với 3 đường bay trục (Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng), giá vé trung bình của các hãng có mức tăng lần lượt: Vietnam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), VietJet Air (17,9%; 39,9% và 27%), Bamboo Airways (2,1%; 24,4% và 22,5%), Vietravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Trong bối cảnh số tàu bay không tăng lên thậm chí giảm đi, giải pháp được các hãng hàng không áp dụng là tăng tần suất bay. Theo đó, trong dịp 30/4-1/5 vừa qua, Vietnam Airlines đã cung ứng hơn 570.000 ghế và 2.900 chuyến bay trên các chặng nội địa và quốc tế, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cao điểm hè sắp tới, hãng hàng không quốc gia dự kiến sẽ khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay vào khung giờ muộn từ sau 21h hằng ngày, tập trung vào các đường bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn... nhằm góp phần “hạ nhiệt” giá vé, kích cầu du lịch.
Theo công bố, các vé hạng phổ thông, phổ thông tiết kiệm trong khung giờ khởi hành trước 6h và sau 21h sẽ có mức giá hợp túi tiền, từ 1,7 đến 1,9 triệu đồng (bao gồm thuế phí).
Với VietJet Air, trong dịp 30/4-1/5 hãng cũng đã tăng 86.000 ghế, tương đương 450 chuyến bay đến các điểm du lịch, đồng thời huy động nguồn lực để tăng cường số lượng chuyến bay, giảm thời gian quay đầu tại các sân bay.
Ngoài ra, trong cao điểm hè sắp tới, hãng bay này dự kiến sẽ cung cấp thêm 1,3 triệu ghế trên các đường bay đến và đi từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang… để phục vụ nhu cầu di chuyển, du lịch hè.
Trong khi đó, Vietravel Airlines cho biết, đã và đang đẩy mạnh mở rộng mạng bay, tần suất bay trong nước và quốc tế. Trong dịp hè, hãng bay này đã xây dựng kế hoạch bay với các điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc… Đồng thời, tiếp tục mở rộng mạng bay charter Quốc tế đến Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản…