Khi mà người Mỹ chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ, giá dầu tại Mỹ tăng hơn 2USD/thùng vào đầu tuần này bởi những thông tin cho thấy rằng bão tuyết nhiều khả năng sẽ vào Mỹ trong những ngày tiếp theo.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá dầu Brent trên thị trường London, tăng 2,76% lên 82,20USD/thùng. Còn trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,7% lên 78,29USD/thùng, theo số liệu của Reuters. Cả hai loại giá dầu đều tăng ít nhất hơn 2USD/thùng.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tại Mỹ giảm 5,89 triệu thùng còn Viện Xăng dầu Mỹ công bố dự trữ xăng dầu trong tuần kết thúc ngày 16/12/2022 giảm 3,1 triệu thùng.
“Báo cáo mới nhất rất lạc quan, đặc biệt với sự thật rằng tình hình dự trữ dầu thô và các chế phẩm từ dầu ổn định trước thềm thời tiết giá lạnh sắp tới”, chuyên gia phân tích trên thị trường dầu Phil Flynn nhấn mạnh.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi thông tin rằng Trung Quốc có kế hoạch nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 đã cản trở hoạt động đi lại tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng ING (Hà Lan) cho hay giá dầu hiện không còn ở mức cao mà ghi nhận hồi đầu năm và những lo lắng về nguồn cung trước mắt đã giảm bớt. Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu đang đè nặng lên tâm lý thị trường dầu mỏ và ING nhận định thị trường sẽ thắt chặt trở lại vào năm 2023. Điều đó chắc chắn sẽ đẩy giá “vàng đen” lên cao hơn.
Yếu tố bất ổn chính đối với thị trường dầu mỏ trong năm 2023 là “sức khỏe” nguồn cung của Nga sẽ như thế nào sau khi một số quốc gia cấm nhập dầu từ nước này, cùng với lệnh tự giới hạn xuất khẩu ngày một gia tăng liên quan tới tình hình xung đột tại Ukraine.
Nguồn cung của Nga đã tăng tốt hơn so với kỳ vọng, với Ấn Độ, Trung Quốc và một số thị trường nhỏ hơn khác tăng mua dầu thô từ Nga để tận hưởng mức chiết khấu cao hiện có. Theo số liệu từ trang thống kê Statista, xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 11/2022 đạt 9,8 triệu thùng/ngày, giảm chưa tới 200.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước 2021.
Tuy nhiên, tác động của lệnh cấm của EU và chính sách áp trần giá của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đối với dầu thô Nga vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Ngoài ra, thị trường còn phải đợi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga có hiệu lực vào đầu tháng 2/2023. Khả năng Ấn Độ và Trung Quốc hấp thụ thêm một lượng dầu lớn hơn của Nga có thể bị hạn chế.
Dựa trên các yếu tố đó, ngân hàng ING dự báo nguồn cung của Nga trong quý đầu tiên sẽ giảm khoảng 1,6-1,8 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2022. Đối với tác động từ chính sách áp trần giá của G7, ING cho rằng chúng sẽ ít tác động trực tiếp đến nguồn cung dầu của Nga trong ngắn hạn. Vì mức trần 60 USD/thùng vẫn cao hơn mức giá giao dịch dầu Urals của Nga.
Bên cạnh đó, diễn biến xung đột Nga – Ukraine cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường dầu mỏ vào năm 2023. Mặc dù việc giảm leo thang xung đột có thể không phục hồi dòng chảy thương mại dầu mỏ như trước xung đột, diễn biến đó sẽ giúp loại bỏ rất nhiều rủi ro nguồn cung cho thị trường.