Giới đầu tư đang kỳ vọng lợi nhuận ổn định của các doanh nghiệp có thể giúp thị trường cổ phiếu Nhật Bản duy trì đà tăng trong những tháng cuối của năm đầy biến động, giữa bối cảnh thị trường này đang chuyển từ một trong những nơi có hiệu suất hàng đầu thế giới sang tâm điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Theo dự báo trung bình của 9 nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg từ ngày 27/9 đến 7/10, dù khó có khả năng quay lại mức cao kỷ lục đã đạt được vào tháng 7/2024, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có thể kết thúc năm nay với mức tăng 1,3% từ mức hiện tại, lên 39.844 điểm, đưa tổng mức tăng của chỉ số này trong cả năm lên 19%.
Lợi nhuận ròng của 500 công ty lớn nhất Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục 15.000 tỷ yen (101 tỷ USD) trong quý kết thúc vào tháng 6/2024. Ông Daisuke Uchiyama, chiến lược gia cấp cao tại công ty chứng khoán Okasan Securities Co. ở Tokyo, nhận định: "Dù có một số lo ngại đối với nhà đầu tư, nhưng tâm lý vẫn chưa hoàn toàn bị ảnh hưởng".
Ông cho rằng triển vọng lợi nhuận ổn định của các doanh nghiệp có thể giúp thị trường cổ phiếu Nhật Bản duy trì đà tăng trưởng đến tháng 12.
Rủi ro lớn nhất đối với lợi nhuận doanh nghiệp sẽ là sự hồi phục của đồng yen. Đồng tiền này đã tăng 12% so với đồng USD trong ba tháng qua, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiến gần hơn đến việc bình thường hóa chính sách tiền tệ. Trong khi đó, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có thể chuyển hướng sự chú ý của các nhà đầu tư khỏi Nhật Bản. Kể từ khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế quy mô lớn vào ngày 24/9, chỉ số Shanghai Shenzhen CSI 300 của nước này đã tăng 25%, trong khi chỉ số Topix của Nhật Bản chỉ tăng 0,1%.
Ông Alexander Wolf, chiến lược gia trưởng bộ phận đầu tư châu Á tại JP Morgan Chase Bank NA, cho biết: "Chúng tôi vẫn lạc quan về thị trường Nhật Bản khi thấy mức tăng trưởng danh nghĩa và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cải thiện". Mặc dù ông có chút lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc nhờ các biện pháp kích thích kinh tế gần đây, cổ phiếu Nhật Bản vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
Các nhà phân tích hầu hết đều nâng kỳ vọng về lợi nhuận của những doanh nghiệp Nhật Bản, dù vẫn có sự khác biệt giữa các ngành. Các ngân hàng đang có hoạt động tích cực, trong khi một số nhà xuất khẩu như các nhà sản xuất thiết bị vận chuyển lại gặp khó khăn.