Định vị thị trường
Dù FED đã hạ lãi suất thêm 0,25% nhưng cũng đưa ra thông điệp sẽ có ít các đợt nới lỏng trong năm 2025, điều này đã khiến cho các thị trường chứng khoán châu Á phản ứng kém tích cực. Hàng loạt các chỉ số đã đóng cửa trong sắc đỏ như NIKKEI 225 (-0,69%), TWSE (-1,02%), STI (-0,47%), NIFTY 50 (-0,98%), KOSPI (-1,95%), SHCMP (-0,36%).
Thị trường chứng khoán Việt Nam không đi chệch ra khỏi vận động chung của thế giới. Sau 9 phiên liên tiếp đi ngang, áp lực bán xuống đã khiến cho VN-Index có lúc giảm gần 16 điểm. Tuy nhiên, những nỗ lực gỡ điểm cũng xuất hiện về cuối phiên và đã có nhiều mã ghi nhận trạng thái "rút chân".
Chất xúc tác
Bên cạnh ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới, thị trường còn nhạy cảm trước những vận động của ngày đáo hạn phái sinh. HĐTL VN30F2412 (-1,4%) đã đóng cửa tại 1.312,3 điểm, tương ứng mức chênh lệch -1,86 điểm so với VN30 (-1,18%). Khối lượng giao dịch của VN3F2412 đạt 171,6 nghìn đơn vị, tăng hơn 20% với phiên hôm qua.
Còn với cơ sở, phiên "rút chân" lại giúp thanh khoản tăng 24,5% lên 662,7 triệu đơn vị. Các nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục bán ròng khoảng 500 tỷ đồng trên HOSE với SSI (-127 tỷ đồng), VPB (-87 tỷ đồng), VCB (-72 tỷ đồng), PDR (-62,4 tỷ đồng), VHM (-42,7 tỷ đồng) gặp nhiều áp lực nhất. Chiều ngược lại, FPT (+109 tỷ đồng), KDH (+48 tỷ đồng) là những mã được mua ròng.
Số liệu về lãi suất liên ngân hàng vẫn cho thấy sự dư dả về thanh khoản. Kỳ hạn qua đêm đã xuống 2,7% trong khi 1 tuần xuống 3,67%. Qua đó, thúc đẩy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng ở phiên hôm qua 24.799,93 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 23.999,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 76.635 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Trước phiên đáo hạn phái sinh, thị trường đã trải qua 9 phiên liên tiếp đi ngang trong khu vực 1.260-1.270 điểm. Tuy nhiên, khi xuất hiện thêm các biến số từ khu vực, phản ứng ngay đầu phiên của VN-Index cũng kém tích cực khi mở gap giảm xuống 1.255 điểm.
Sang đến phiên chiều, VN-Index đã có lúc bị nhúng xuống dưới 1.250 điểm. Dù vậy, sự hoảng loạn đã không xuất hiện cùng những vận động kể trên. Tại VN30, có BVH (+0,4%), PLX (+0,3%) vẫn kịp đảo chiều tăng giá. Còn GAS (0%), SSI (0%) cũng "rút chân" về mốc tham chiếu dù đã có thời điểm SSI giảm gần 3% còn GAS giảm gần 1%.
Cùng với đó là một loạt các cổ phiếu Ngân hàng như CTG (-0,1%), VCB (-0,8%), STB (-0,9%), BID (-0,9%), OCB (-0,9%) chỉ ghi nhận kết quả giảm dưới 1%.
Các cổ phiếu Chứng khoán dù đã có lúc khiến nhà đầu tư hoang mang nhưng kết quả cuối phiên lại phần nào giúp trấn an tâm lý: HCM (-0,8%), VCI (-0,1%), BSI (-0,4%) giảm không đáng kể. Trong khi đó, MBS (0%), APS (0%), AAS (0%) trên HNX và UPCoM đều có lực kéo để đi theo vận động của SSI.
Tại nhóm Bất động sản, dao động còn mạnh hơn với các mã DIG, PDR, DXG có thời điểm đã giảm 3-5%. Tuy nhiên, chốt phiên, DIG chỉ còn giảm 1,8%, PDR giảm 2,5%, DXG giảm 1,1%.
Sắc đỏ đã phủ tới hơn 70% số mã trên HOSE nhưng gần như đã không xuất hiện trường hợp nào giảm sàn. Thị trường vẫn xuất hiện các mã cá biệt như YEG (+6,91%), SAM (+6,9%) tăng trần, CSV và NKG tăng trên 2%.
Chốt phiên, VN-Index giảm 11,33 điểm xuống 1.254,67 điểm (-0,89%). Thanh khoản sàn đạt 17.811 tỷ đồng, tương đương 779,4 triệu đơn vị.
Trên HNX và UPCoM, thiệt hại cũng không được ghi nhận rõ ràng khi HNX-Index đảo chiều tăng 0,05% còn UPCoM-Index chỉ giảm 0,37%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.800 tỷ đồng trong đó nhiều mã hút tiền như PVS (+1,8%), VGI (+4%), HNG (+9,4%), VGT (+2,2%), OIL (+2,5%) ghi nhận kết quả tích cực.