Nửa đầu năm nhiễu động, cuối năm thăng hoa
Tại VPBankS Talk 04 - “Vững vàng vượt sóng gió” diễn ra ngày 16/12, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) đã đưa ra những nhận định tương đối tích cực về thị trường chứng khoán trong năm 2025.
So sánh với các chỉ số chứng khoán khu vực, theo ông Sơn, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp ở mức cao (20-25%).
“Mặc dù chịu nhiều yếu tố nhiễu động như tỷ giá tăng, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tiếp trong năm nhưng thị trường Việt Nam vẫn rất vững vàng xây nền dao động vùng 1.200-1.300 điểm, chờ thời điểm bứt phá với kỳ vọng sóng nâng hạng diễn ra trong năm 2025. Thị trường đang chuẩn bị cho một con sóng lớn”, ông Sơn nói.
Dòng tiền tham gia thị trường tích cực đầu năm, chững lại về cuối năm 2024. Tính đến ngày 6/12/2024 thanh khoản trung bình 21.350 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Theo ông Sơn dự báo, thanh khoản sẽ tăng cao trở lại trong nửa cuối năm 2025, dự báo thanh khoản trung bình hơn 25.500 tỷ đồng trong năm 2025, VN-Index trên 1.400 điểm, trung bình dao động quanh 1.350 điểm.
“Chỉ số VN-Index cuối 2024, đầu 2025 vẫn quanh 1.200 điểm, tháng 4,5,6/2025 có thể là vùng trũng tạo điều kiện để các nhà đầu tư trung hạn có thể giải ngân, có thể “Buy in May” và chốt lời vào cuối năm khi kịch bản nâng hạng kích hoạt vào tháng 9”, ông Sơn đưa ra khuyến nghị.
Ông Sơn cho rằng, từ nay đến cuối năm, thậm chí quý I/2025, áp lực bán ròng vẫn xuất hiện nhưng sẽ không quá lớn, dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường mới nổi vào nửa cuối năm 2025.
Với kịch bản nâng hạng, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí FTSE. Trong buổi họp vừa qua, FTSE đánh giá cao Việt Nam đưa Thông tư 68 để nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) giao dịch không cần ký quỹ.... Từ nay đến tháng 3, FTSE sẽ thu thập ý kiến NĐTNN với Thông tư 68, đánh giá hiệu quả ổn định của quy định mới. “FTSE cũng đang hợp tác với UBCKNN nhằm hoàn thiện thị trường theo chuẩn quốc tế, thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm... Chúng tôi dự báo sẽ đạt được các tiêu chí trong tháng 9”, ông Sơn nói.
Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Nhìn lại các quốc gia đã có câu chuyện nâng hạng, dòng vốn vào rất mạnh.
“Năm 2025, chứng khoán Việt Nam có bước ngoặt rất quan trọng, hút được vốn lớn và kích hoạt vốn trong nước. Có thể nửa đầu năm nhiễu động nhưng cuối năm thăng hoa, VN-Index cao nhất năm 1.400 điểm. Cơ hội tích lũy cổ phiếu giá rẻ nửa đầu năm”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VPBank cho biết, P/E của thị trường đang ở mức khoảng 12 lần, tương đối thấp trong 5 năm qua. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 20% năm nay và 20 - 25% năm sau thì chỉ tiêu PEG (Price/Earnings to Growth - đo lường PE so với tốc độ tăng trưởng EPS) đang dưới 1, chứng tỏ định giá thị trường tương đối hấp dẫn so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
“Thời gian gần đây, cơ quan quản lý thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đang đẩy nhanh các giải pháp nhằm đáp ứng các điều kiện cuối cùng theo các tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. Tôi tin rằng, việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong thu hút dòng vốn từ đầu tư ngoại nói chung, trước hết là dòng tiền từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động trong tương lai”, ông Điền nói.
Lãi suất có thể nhích dần về cuối năm 2025
Về vĩ mô, theo ông Trần Hoàng Sơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng của Chính phủ, hỗ trợ bởi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm % vào tổng tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô vững vàng trước những thử thách của thế giới. Chính phủ có những chính sách hỗ trợ sau bão Yagi có thể giúp kinh tế vững vàng hơn. Thặng dư thương mại tốt trong 11 tháng đầu năm, xuất siêu hơn 24 tỷ USD, đối tác xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, đối tác nhập khẩu chính là Trung Quốc.
Lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá Việt Nam có thể đối mặt nhiều rủi ro nhưng cũng có nhiều cơ hội. Giai đoạn 2023-2024, FDI giảm và rút khỏi nhiều khu vực nhưng Việt Nam nằm nhóm hưởng lợi.
Dự báo năm 2024, ông Sơn cho rằng, GDP có thể tăng 7,5-7,7% trong quý IV/2024, cả năm tăng 6,8-7%, và năm 2025 sẽ tăng 6-6,8%.
Lãi suất duy trì ổn định nửa đầu năm 2025 và có thể nhích lên vào nửa cuối năm. Các gân hàng thương mại đang đối mặt với áp lực thanh khoản do nhu cầu về vốn tăng mạnh vào cuối năm do đó việc tăng lãi suất huy động thành giải pháp cân bằng dòng tiền.
"Năm 2025, với những biến động chưa thể xác định, khả năng đồng USD tăng thì Chính phủ và NHNN duy trì lãi suất thấp trong nửa đầu năm. Nếu biến cố tỷ giá tăng mạnh, lạm phát tăng nóng trở lại và tăng trưởng tín dụng tăng cao trở lại thì lãi suất sẽ nhích dần vào cuối năm", ông Sơn cho hay.
Tại VPBankS Talk, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, động lực tăng trưởng GDP ngắn hạn xuất phát từ đầu tư công là chủ yếu, việc khởi động các dự án lớn, trong khi xuất khẩu có thể tăng trưởng chậm lại, có thể không cao như 2024 nhưng vẫn rất quan trọng đối với Việt Nam. Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục, Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý và giá lao động rẻ so với thế giới.
“Tôi không kỳ vọng GDP tăng trưởng 8%, đây là kịch bản rất lạc quan, tôi nghĩ quanh 6,5% là con số khả thi. Mặt bằng lãi suất hiện nay khó hạ, thậm chí phải tăng nhẹ”, ông Thế Anh dự báo.
“Việt Nam cũng đang vướng ở 2 mục tiêu, nếu muốn hạ lãi suất thì phải từ bỏ bớt mục tiêu về tỷ giá. Song, Việt Nam đang muốn cân bằng cả 2, lãi suất đang quanh 6% và lạm phát 4%, để duy trì mức lãi suất thực dương thì lãi suất khó giảm thêm”, ông Thế Anh nói thêm.